Theo Báo cáo kết quả kiểm nghiệm số 1480/KSBT-BC ngày 13/7 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn, 8 người tại thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) bị ngộ độc là do ăn món lòng cá nấu với mật cá trắm và cây mật gấu.
Cụ thể, trong 15 mẫu thực phẩm được lấy từ bữa ăn tối của gia đình bà N.T.H, ở thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn, được gửi về Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia xét nghiệm, kết quả có 14 mẫu không phát hiện độc chất gây ngộ độc.
Mẫu xác định có độc là lòng cá nấu với mật cá trắm, cây mật gấu.
[Bắc Kạn: 8 người bị ngộ độc sau bữa ăn tối phải nhập viện cấp cứu]
Cây mật gấu có chứa chất Atropin và scopolamin. Đây là các tropane alkaloit của các cây thuộc họ Cà (Solanaceae spp).
Các tropane alkaloit khi hấp thu lượng đủ lớn gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, ảo giác, lú lẫn, mạch yếu, nhịp tim bất thường, tác dụng diễn ra khoảng 10 đến 30 phút sau ăn.
Trước đó, như phóng viên TTXVN đã thông tin, đêm 9/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận cấp cứu 8 bệnh nhân ở thôn Khuổi Cuồng bị ngộ độc, trong đó có 3 trường hợp bị ngộ độc nặng.
Đến trưa 10/7, 2 trong 3 bệnh bị ngộ độc nặng tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Đến nay, với sự nỗ lực của các y, bác sỹ, 6 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã được xuất viện, 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai cũng có tiến triển tốt.
Từ vụ ngộ độc thực phẩm trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các động, thực vật lạ, mật, nội tạng động vật có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả, lá cây lạ, côn trùng lạ, mật cá.../.