Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Du lịch Bạc Liêu đang gặp nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Khách du lịch đến địa phương trong giai đoạn này suy giảm mạnh, tình trạng hủy tour lên đến 60-80%.
Do đó, Bạc Liêu đang triển khai nhiều giải pháp phục hồi du lịch hướng đến an toàn với dịch bệnh.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân, ủy ban nhân dân tỉnh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, tổng hợp mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch, nhất là các ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Từ đó, các ngân hàng kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo hướng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo quy định.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Hiệp hội Du lịch tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
[Du lịch Nam Bộ: Kỳ vọng đà phục hồi với những mô hình linh hoạt]
Cục Thuế tỉnh chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách thuế liên quan trực tiếp đến người nộp thuế trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Cục cung cấp, hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục hành chính thuế đảm bảo đúng mẫu biểu theo quy định và để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất và các loại thuế khác.
Cục Thuế tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh các giải pháp tuyên truyền về chính sách hỗ trợ thuế đảm bảo phù hợp với từng thời điểm, theo diễn biến dịch bệnh và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu giao Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ kích cầu với mức giá ưu đãi nhưng cam kết đảm bảo chất lượng; làm "cầu nối" cho các doanh nghiệp tiếp cận, xúc tiến bán sản phẩm và kết nối lại với các thị trường, khách du lịch.
Bà Cao Xuân Thu Vân cho biết tỉnh tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho việc thu hút và triển khai các dự án du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có nhiều kinh nghiệm, tiềm lực kinh tế tạo bước đột phá cho du lịch.
Đặc biệt, tỉnh thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch như: khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu; tiểu dự án Đầu tư xây dựng Điện gió kết hợp du lịch sinh thái thuộc dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình I; dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, kết hợp với biện pháp bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu; dự án Khu văn hóa đa năng Thiên Phúc (thị xã Giá Rai); xây dựng khu du lịch Vườn nhãn; các dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển.
Tỉnh tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa gắn với tổ chức các dịch vụ du lịch để thu hút khách du lịch…
Thích ứng an toàn với dịch bệnh
Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương khẳng định việc phục hồi hoạt động du lịch đảm bảo phù hợp với thực tế và xu thế, có tính khả thi, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đặc biệt là phải an toàn với dịch bệnh.
Các ngành có liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan y tế trong phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện cho khách nội địa có chứng nhận tiêm chủng được thuận lợi đi du lịch.
Bà Trần Thị Lan Phương cho biết Bạc Liêu kiểm tra và xử lý nghiêm việc không tuân thủ các quy định an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các điểm đến, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh; thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đúng cam kết về giá và chất lượng của chương trình kích cầu du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch; tiếp tục thực hiện có hiệu quả ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn," hệ thống đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 (www.safe tourism.com.vn).
Cùng với việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, Bạc Liêu khẩn trương củng cố, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả của các sản phẩm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu đưa vào kết nối tour/tuyến du lịch với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, cũng như các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Bạc Liêu.
Trong đó, tỉnh tiếp tục phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử gắn với Điểm du lịch Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, sản phẩm du lịch OCOP 4 sao; tập trung phát triển các hoạt động trải nghiệm, hoạt động về đêm phục vụ du khách.
Bạc Liêu phát huy các giá trị về giai thoại Công tử Bạc Liêu gắn với Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu, tiếp tục xây dựng các chương trình nghệ thuật sân khấu hóa về cuộc đời Công tử Bạc Liêu, tạo điều kiện và đôn đốc chủ đầu tư sớm triển khai đầu tư Khu Văn hóa đa năng Công tử Bạc Liêu làm điểm nhấn cho du khách tham quan trải nghiệm.
Tỉnh phát huy công năng Quảng trường Hùng Vương và các công trình nghệ thuật, văn hóa xung quanh, đặc biệt là tiếp tục xây dựng các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Trung tâm triển lãm nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát 3 nón lá) trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch vào ban đêm.
Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa Bạc Liêu với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long.
Đặc biệt, tỉnh phát triển 2 tuyến du lịch kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đã được định hình thời gian qua: Tuyến Những nẻo đường phù sa (Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang-Vĩnh Long-Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau); tuyến Non nước hữu tình (Thành phố Hồ Chí Minh-Tiền Giang-Bến Tre-Trà Vinh-Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau).
Mặt khác, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện tổ chức sự kiện Tuần Văn hóa-Du lịch Bạc Liêu lần thứ II năm 2022 gắn với Lễ hội Dạ cổ hoài lang nhân kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu (1997-2022).
Tỉnh cũng tăng cường truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn; cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi; đa dạng các kênh, hình thức truyền thông, quảng bá du lịch; đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm kích cầu du lịch trên các ấn phẩm, trang website và các phương tiện thông tin đại chúng.
Đặc biệt, tỉnh phối hợp với các đơn vị như Vietravel, Saigontourist, Vietnam Airlines, Vietjet... tăng cường quảng bá du lịch Bạc Liêu đến với du khách sử dụng dịch vụ của các đơn vị này./.