Bạc Liêu: Nông dân phấn khởi vì tiếp tục trúng mùa và được giá lúa

Vụ lúa Đông Xuân năm nay, nông dân Bạc Liêu thắng lợi kép cả về năng suất và giá bán, các hộ dân phấn khởi vì sau khi trừ hết chi phí, có thể thu lãi từ 25-35 triệu đồng/ha.
Bạc Liêu: Nông dân phấn khởi vì tiếp tục trúng mùa và được giá lúa ảnh 1Thương lái vào tận ruộng thu mua lúa của nông dân với mức giá từ 7.500 đến 8.000 đồng/kg. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bạc Liêu nói riêng đang tăng lên trong những ngày gần đây, nhất là lại rơi vào đúng thời điểm nông dân đang thu hoạch rộ càng khiến nông dân vô cùng phấn khởi, người nông dân tiếp tục có một vụ sản xuất thành công, vừa trúng mùa lại được giá, bỏ lại những lo âu của dịch bệnh và thời tiết bất lợi và sự đe dọa của hạn mặn.

Ghi nhận tại huyện Vĩnh Lợi, một trong các địa phương của tỉnh Bạc Liêu có diện tích lúa vụ Đông Xuân đang được thu hoạch, trong những ngày gần đây, nhờ nắng nóng kéo dài, việc thu hoạch đang được nông dân trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ.

Các máy gặt đập liên hợp đang hoạt động hết công suất để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch của người dân trên địa bàn để tranh thủ thời điểm lúa đang được giá cao.

Theo ông Tô Thanh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi, cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống được hơn 17.000ha.

Tính đến thời điểm hiện tại, bà con nông dân vùng chuyên canh lúa Tài nguyên chủ yếu tập trung ở thị trấn Châu Hưng và xã Châu Hưng A đã thu hoạch dứt điểm tổng số 3.310ha diện tích, năng suất lúa bình quân ước đạt từ 6,5 đến 7 tấn/ha, thậm chí có hộ sản lượng lúa đạt gần 1 tấn/công (1.000m2), ngang bằng so với vụ mùa Tài nguyên năm rồi.

Hiện, thương lái vào tận ruộng thu mua lúa của nông dân với mức giá từ 7.500 đến 8.000 đồng/kg.

Ông Trần Văn Hồng ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) canh tác hơn 1ha diện tích giống lúa Tài nguyên, nổi tiếng gạo ngon cơm, được thị trường ưa chuộng.

Nhiều năm nay, ông Hồng chọn giống lúa này để canh tác. Bởi lẽ nó rất dễ làm, cho sản lượng cao, lúa hàng hóa sau khi thu hoạch thường bán với giá cao hơn so với một số giống lúa ngắn ngày khác.

Hiện tại, gia đình ông Hồng đã thu hoạch 100% diện tích lúa Tài nguyên của gia đình mình, năng suất ước đạt hơn 5,6 tấn/ha.

Sau khi thu hoạch xong, gia đình ông cũng bán lúa tươi cho thương lái với giá 7.500 đồng/kg. Theo chia sẻ của ông Hồng, khi trừ đi tất cả các khoản chi phí canh tác, vật tư nông nghiệp, gia đình ông còn lại 35 triệu đồng/ha.

[Nông dân tỉnh Tiền Giang trúng mùa, bội thu vụ lúa Đông Xuân]

Chung niềm vui trúng mùa, trúng giá lúa Đông Xuân, anh Trần Văn Hoàng ở xã Hưng Phú (huyện Phước Long) phấn khởi cho biết, chưa thấy vụ nào mà giá lúa lại được cao như năm nay.

Mấy vụ sản xuất trước nông dân cũng có lãi tương đối, nhưng vụ này, nông dân thắng lợi kép cả về năng suất và giá bán. Năm nào mà lúa có giá thì nông dân “khỏe” hẳn, nhất là vào những tháng mùa khô.

Bạc Liêu: Nông dân phấn khởi vì tiếp tục trúng mùa và được giá lúa ảnh 2Các máy gặt đập liên hợp đang hoạt động hết công suất để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch của người dân trên địa bàn để tranh thủ thời điểm lúa đang được giá cao. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Cũng theo anh Hoàng, vụ này, gia đình xuống giống 3ha lúa Đài Thơm, năng suất đạt trên 8 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 25 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất có cao hơn so với vụ lúa Đông Xuân các năm trước nhưng nhờ lúa bán được giá cao nên lợi nhuận tương đối khá.

Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Long cho biết, toàn huyện có diện tích canh tác lúa Đông Xuân trên 13.600 ha, hiện đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, năng suất trung bình đạt từ 8 tấn/ha.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Long nhận định, lúa Đông Xuân vụ mùa 2022-2023 trà lúa phát triển khá tốt, điều kiện thời tiết thuận lợi, lượng nước ngọt đủ đảm bảo cho trà lúa phát triển, sâu bệnh không đáng kể, lúa đang cho thu hoạch năng suất lúa cao, giá bán cao, người dân rất phấn khởi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, vụ Đông Xuân, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống trên 43.200ha. Đến nay, đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Giá lúa và năng suất cao khiến nông dân rất phần khởi.

Ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, vấn đề đặt ra hiện nay của ngành lúa gạo là không hướng đến sản lượng mà chất lượng là chính.

Không chạy theo số lượng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để nâng cao giá trị của chất lượng sản phẩm mới có thể đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Vừa thuận lợi trong khâu tiêu thụ và giá bán được cao. Đó là mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang hướng đến.

Sau nhiều năm được mùa mất giá, lại thường xuyên bị tác động bởi các yếu tố thời tiết cực đoan, sự kỳ vọng của người dân Bạc Liêu nói riêng và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung về lợi nhuận từ cây lúa đã giảm đi rất nhiều, thậm chí nhiều diện tích lúa đã được chuyển dần sang trồng các loại cây trồng khác với kỳ vọng về lại hiệu quả kinh tế cao hơn, quan trọng là không bị “tắc” đầu ra.

Thành công từ một vụ sản xuất cả về năng suất lẫn giá bán, giúp cho nông dân Bạc Liêu thêm vững tin về lợi nhuận từ cây lúa, nhất là trong những năm sản xuất gặp nhiều bất lợi từ đầu vụ bởi chi phí và thời tiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.