Túi nilon từ lâu đã trở thành vật dụng quen thuộc với người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ. Sự gọn nhẹ, tuy tiện mà không lợi của loại bao bì “rẻ tiền” đang được sử dụng phổ biến này đã khiến người ta dễ dàng bỏ qua tính độc hại của nó.
Tuy nhiên, theo các nhà môi trường, nếu lạm dụng quá mức và thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích sẽ phát sinh một loại chất thải nhựa tràn lan, gây “ô nhiễm trắng,” ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất, nước, đặc biệt sức khỏe con người.
Bài 1: Báo động ‘ô nhiễm trắng’ từ thói quen tiêu dùng túi nilon
Việc sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm túi nhựa, túi nilon đã trở nên rất phổ biến trong đời sống hàng ngày của con người. Thế nhưng, phần lớn túi nilon mà con người sử dụng lại là nhựa dùng một lần sau đó thải bỏ.
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, trung bình mỗi ngày, một gia đình có một người đi chợ mua sắm sẽ có ít nhất vài túi nilon, thậm chí 7-8 túi được mang về nhà. Trong số này, một phần lớn túi nilon sau sử dụng sẽ được thải ra môi trường.
Trước xu hướng tiêu dùng trên, các nhà cung cấp và sản xuất hàng hóa cũng luôn chú trọng đến việc làm thế nào để người tiêu dùng mua hàng được thuận tiện nhất. Và đó là lý do túi nilon được dùng phố biến, cũng như dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi.
Bà Nguyễn Thị Mai, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phường Kim văn Kim lũ (quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) cho biết, bình quân mỗi tháng mua 5-6kg túi nilon các loại để đựng hàng hóa cho khách hàng, với chi phí khoảng 200 đồng/túi nilon.
“Giờ mọi thứ hàng hóa đều cho hết vào túi nilon. Hàng khô dùng bằng túi nilon đã đành, nhiều người còn lạm dụng túi nilon để gói cháo, phở, đồ ăn nóng mang về nhà. Dù biết là độc hại nhưng vẫn phải dùng thôi, nó rẻ và tiện lợi mà. Thế nên, nhiều người khi mua hàng còn xin thêm mấy túi nữa đấy,” bà Mai chia sẻ.
[Mỗi năm Việt Nam "đổ" ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa]
Theo các nhà khoa học, các loại túi nhựa có thể mất 500-1.000 năm mới có thể tự phân huỷ. Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường sẽ gây ô nhiễm thứ cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất kém chất dinh dưỡng.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, tái chế hoặc tiêu huỷ (đốt), túi nilon còn phát sinh khí thải độc hại như dioxin gây ảnh hưởng trực tiếp cho sức khoẻ con người.
Dẫu biết là độc hại như vậy nhưng nhiều người dân vẫn vô tư dùng túi nilon vì sự tiện ích mà không nghĩ tới hậu quả khôn lường. Thực tế, dù được cảnh báo nhiều nhưng túi nilon vẫn được thải ra môi trường với khối lượng và tần suất nhiều hơn.
“Vẫn biết túi nilon rất độc hại, trong khi khả năng phân hủy của túi nilon cũng rất lâu, nhưng bây giờ mà không dùng túi nilon thì không có cái gì đựng. Thế nên, cả người bán và người mua, dù biết độc hại nhưng vẫn phải dùng thôi,” bà Hoa, chủ một ki ốt bán thịt lợn ở chợ ngã tư sở chia sẻ.
“Ngựa quen đường cũ” với túi nilon thông thường
Trước thực trạng “ô nhiễm trắng,” từ những năm 2008, các chiến dịch, phong trào kêu gọi cộng đồng “tẩy chay” túi nilon như: “Nói không với túi nilon”; “Ngày không túi nilon”…đã được phát động tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, sau một thập kỷ triển khai, các chiến dịch phát động, kêu gọi cộng đồng nói “không” với túi nilon, hầu như mới chỉ dừng lại ở việc “thí điểm” mang tính chính sách, chưa đi vào thực tiễn, bởi tình trạng sử dụng túi nilon tràn lan vẫn diễn ra phổ biến ở các siêu thị, khu chợ, quán ăn, nơi công cộng…
Cứ thế, sau mỗi đợt tuyên truyền, phát động, hưởng ứng theo kiểu “cho có lệ,” người tiêu dùng lại “ngựa quen đường cũ” với túi nilon thông thường.
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus liên tiếp trong 3 ngày (từ 6-8/6) tại chợ Ngã Tư Sở, chợ đầu mối Long Biên, Kim Giang và một số siêu thị cho thấy, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa bằng túi nilon vẫn diễn ra phổ biến. Thậm chí, nhiều loại thực phẩm như thịt cá, chất lỏng khi mua còn được “khuyến mãi” 2-3 túi nilon.
Chỉ tính riêng một khu chợ trên đường Kim Giang (quận Hoàng Mai), trong vòng một giờ quan sát (từ 6-7 giờ sáng), phóng viên ghi nhận đã có tới trên dưới 300 người đến chợ mua thực phẩm, khi về mỗi người mang theo 3-5 túi nilon, thậm chí có người 7-9 túi nilon đựng các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ quả…
“Bây giờ đi chợ không có túi nilon thì lấy gì đựng. Cháu để ý xem, ở đây, ai đi chợ chả mang túi bóng về nhà. Nó vừa rẻ vừa gọn nhẹ, tiện lợi nên ai cũng ưa dùng. Như cô đây, bình thường đi chợ đều mang về 5-7 túi nilon, còn hôm nay mua ít đồ nên chỉ có 3 túi thôi,” bà Vân, một người dân ở phường Kim văn Kim lũ chia sẻ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Môi trường, mỗi tháng, một hộ gia đình ở Việt Nam thải ra môi trường 1 kg túi nilon. Như vậy, ước tính, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.
Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày, Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó, rác thải nilon chiếm đến 7-8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.
Cũng như Hà Nội, tại Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 30 tấn nilon được sử dụng mỗi ngày tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; và 34-60 tấn nhựa/ngày, tương đương 5-9 triệu túi nilon/ngày từ các hộ dân.
“Hầu như tất cả túi nilon đều được phát thải ra môi trường, trong đó khu vực phát sinh nhiều nhất là chợ chiếm 70%, kế đến là siêu thị 25%, cuối cùng là trung tâm thương mại 3%. Đây là những con số rất đáng báo động,” báo cáo đề cập.
[Xử lý ô nhiễm chất thải nhựa: Nên loại bỏ hay để "biển đầy nhựa"?]
Cũng theo báo cáo, qua khảo sát tại hệ thống siêu thị Maximark (Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, toàn bộ hệ thống siêu thị này tiêu thụ bình quân 10 tấn nilon/tháng. Nếu tính trung bình 1 kg nilon khoảng 100 túi, mỗi tháng hệ thống siêu thị này sẽ cho ra thị trường khoảng 1 triệu túi nilon.
Với bảy siêu thị Big C cũng tiêu tốn 20 tấn nhựa/tháng, tương đương 3 triệu túi nilon. Tình hình sử dụng túi nilon cũng tỷ lệ thuận với sức mua của khách hàng và quy mô tại các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Citimart, Fivimart…
“Ở Việt Nam, mọi người càng ngày càng quan tâm hơn đến tác động tiêu cực của túi nilon, nhưng dường như những lo lắng, bức xúc chưa đủ mạnh để biến thành quyết tâm hạn chế, thậm chí loại bỏ chúng,” đại diện Tổng cục Môi trường chia sẻ.
Vị đại diện Tổng cục Môi trường cũng nhấn mạnh, những số liệu về khả năng tiêu dùng túi nilon nêu trên cho thấy thực trạng về nhu cầu sử dụng túi nilon trên cả nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay là rất khó kiểm soát.
Điều đáng quan tâm là, túi nilon giờ đây đã trở thành một thứ thói quen trong hoạt động buôn bán của con người. Từ những mặt hàng bình dân nhất đến những vật dụng quần áo, giày dép, thậm chí là cháo, phở…đều được bọc gói bằng túi nilon.
Và thông thường sau một lần sử dụng, những chiếc túi đã sử dụng đó được vứt bừa bãi khắp mọi nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tới đất, nước, làm mất mỹ quan đô thi, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người./.