Bài 1: Đóng tàu vươn khơi-Khó đáp ứng điều kiện vay vốn

Điều kiện vay vốn khó khăn và tâm lý e dè mẫu đóng tàu mới không phù hợp tập quán là rào cản trong việc đóng mới, sửa chữa tàu ở Nam Bộ.
Bài 1: Đóng tàu vươn khơi-Khó đáp ứng điều kiện vay vốn ảnh 1(Ảnh minh họa: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Các tỉnh ven biển Nam Bộ đang đẩy nhanh tiến độ bình xét, giải ngân cho ngư dân vay đóng mới, sửa chữa tàu thuyền theo Nghị định 67/2014/NĐ - CP của Chính phủ về hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển thủy sản (Nghị định 67).

Sau hơn một năm triển khai Nghị định, số lượng tàu thuyền được đóng mới, sửa chữa đến cuối tháng 9/2015 còn khá khiêm tốn. Người dân cho rằng còn nhiều thủ tục rườm rà khiến không thể đáp ứng điều kiện vay vốn.


Điều kiện vay vốn khó khăn

Phóng viên TTXVN đã đến các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... - nơi có thế mạnh về đánh bắt xa bờ ở khu vực Nam Bộ để tìm hiểu việc triển khai cho vay đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67. Đánh giá của người dân, cán bộ Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 đều đồng tình với chính sách này của nhà nước, nhưng Nghị định có nhiều quy định mà người dân chưa thể đáp ứng được để vay vốn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, tính đến cuối tháng 9 tại Cà Mau mới có 7 hợp đồng tín dụng được ký với tổng số tiền hơn 85 tỷ đồng; Bạc Liêu phê duyệt 15 trường hợp, nhưng mới có một trường hợp được giải ngân đóng tàu vỏ gỗ; Sóc Trăng có 4 trường hợp được vay đóng mới, trong tổng số 19 chiếc được tỉnh phê duyệt.

Tiếp xúc với chúng tôi, ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau cho biết, ngư dân ở đây rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay bởi nhiều người có nhu cầu vay đóng mới, sửa chữa nhưng còn nợ ngân hàng từ năm 1998 chưa trả được, nên không thể vay tiếp.

Thêm nữa, vốn đối ứng để đóng mới tàu gỗ 30% giá trị hợp đồng, nhiều người không thể xoay nổi. Ngoài ra, điều kiện để được đưa vào danh sách xét duyệt rườm rà, mất nhiều thời gian. Việc chứng minh vốn đối ứng và thuê đơn vị thiết kế kỹ thuật con tàu không được hỗ trợ chi phí. Trong khi đó, riêng bản thiết kế chi tiết tàu vỏ gỗ đã tốn khoảng 30 triệu đồng, tàu vỏ sắt 120 triệu đồng, trong khi ngư dân không chắc có được các đơn vị thẩm định duyệt hay không.

Chia sẻ vấn đề này, ông Đỗ Chí Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau cho biết, riêng bà con ngư dân khu vực thị trấn Sông Đốc hiện còn nợ ngân hàng trên 100 tỷ đồng nên rất khó tiếp cận với vốn vay mới. Tỉnh Cà Mau đang đẩy nhanh tiến độ bình xét, giải ngân các trường hợp đáp ứng được điều kiện của Nghị định 67, nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn chậm và ít.

Tập quán làm khó Nghị định

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này ông Đỗ Chí Sỹ cho biết, việc lập danh sách, bình xét các hộ ngư dân đủ điều kiện được vay vốn theo Nghị định 67 ở tỉnh gặp nhiều khó khăn, một phần do tín ngưỡng của người dân.

Nhiều trường hợp chủ tàu tiến hành đóng mới, nâng cấp khi thủ tục chưa hoàn chỉnh, dẫn đến gặp khó khăn trong việc kiểm tra, nghiệm thu từng phần của con tàu và lập thủ tục giải ngân. Bên cạnh đó, các chủ tàu lại không thể lập hồ sơ vay vốn từ khâu đăng ký, xây dựng phương án, hợp đồng đóng tàu, mua sắm trang thiết bị, miễn thuế… nên phải nhờ người khác làm giúp.

Vì vậy, chủ tàu không kiểm tra tính chính xác của các thông tin trong hồ sơ, nên khi có sai sót hoặc cần điều chỉnh thì lúng túng, không biết giải thích, không tự điều chỉnh được nên mất nhiều thời gian.

Bà Hồng Cẩm Nương, chủ hãng tàu Hoàng An, thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau chia sẻ, gia đình hiện có đội tàu 7 chiếc đánh bắt xa bờ. Do muốn đóng mới tàu công suất lớn hơn nên gia đình đang làm thủ tục vay vốn của ngân hàng theo quy định của Nghị định 67. Theo bà Nương, các thủ tục cũng tương đối mất thời gian. Đến nay, con tàu của gia đình bà đã đóng được 60% nhưng vẫn phải chờ thẩm định lại máy, giá tàu mới được giải ngân.

Trước thắc mắc tại sao hồ sơ vay vốn chưa hoàn tất mà gia đình đã được đóng tàu, bà Nương cho biết: "Lúc đầu cũng không định vay ngân hàng, nhưng được chính quyền địa phương vận động nên gia đình mới đăng ký. Thêm nữa, chúng tôi muốn đóng tàu theo mẫu truyền thống địa phương, không muốn theo các thiết kế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra vì không phù hợp với tập quán của ngư dân địa phương."

Theo ông Đỗ Chí Sỹ, đối với các ngư dân nguồn thu nhập là có, nhưng chỉ có thể tính bình quân thu nhập một cách tương đối. Việc này khiến các ngân hàng thương mại chưa mạnh dạn khi cho vay. Một số chủ tàu đăng ký, được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt đủ điều kiện nhưng chậm thực hiện việc đóng mới, nâng cấp do có tâm lý e dè hoặc chưa chọn được mẫu tàu dẫn đến tiến độ chung bị ảnh hưởng.

Ông Lê Đồng Dương, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu cho biết, theo quy định của Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm cho thân tàu, máy tàu và thuyền viên. Nhưng các chủ tàu chỉ mua bảo hiểm cho thuyền viên còn thân tàu thì không. Nhiều chủ tàu chưa tham gia tổ, đội khai thác trên biển nên không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm.

Nhưng nguyên nhân chính là do tập quán của ngư dân chỉ muốn mua bảo hiểm thuyền viên, vì họ cho rằng hiếm khi gặp rủi ro, tai nạn về thân tàu, máy tàu, mặc dù được nhà nước hỗ trợ nhưng phải đóng tiền phí lớn.

Chia sẻ về vấn đề chủ tàu không muốn đóng tàu vỏ sắt, ông Liên Đức Lợi, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Đức Tín ở thị trấn Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu cho rằng, chủ tàu không muốn đóng tàu vỏ sắt không chỉ vì chi phí lớn mà còn liên quan đến việc tốn kém chi phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm.

Theo ông Lợi, hiện Khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long ít cơ sở đóng tàu vỏ sắt nên khi đóng tàu phải tới các tỉnh miền Trung đặt đóng. Không những vậy, tàu sắt một năm phải duy tu, bảo dưỡng hai lần, trong khi ở các tỉnh lân cận Bạc Liêu là Sóc Trăng hay Cà Mau không có cơ sở đóng tàu vỏ sắt nên khó bảo dưỡng.

Ông Vũ Đức Khoan, Giám đốc Agribank tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến hết tháng 9/2015 ngân hàng này mới giải ngân cho trường hợp đầu tiên vay vốn đóng mới tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là của ông Liên Đức Lợi. Doanh nghiệp của ông Lợi chủ yếu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, làm ăn có uy tín, cũng là khách hàng quen thuộc của Agribank Bạc Liêu./.

Bài 2: Đóng tàu vươn khơi-Gỡ khó để người dân làm giàu từ biển

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục