Cách đây 80 năm, nilon được xem là phát minh làm thay đổi thế giới. Vậy nhưng, bên cạnh nhưng “thành tựu” mang lại cho nhân loại, một số sản phẩm nilon lại trở thành gánh nặng cho môi trường sống, đặc biệt là đe dọa tới sức khỏe con người.
Bởi vậy, Ngày Môi trường thế giới năm 2018 đã lựa chọn chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” nhằm kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm gánh nặng “ô nhiễm trắng” cho môi trường, do chất thải nhựa và túi nilon.
Theo đó, một trong những giải pháp mà các nhà khoa học, chuyên gia môi trường đưa ra là đừng phát động theo “phong trào” hay tuyên truyền cắt giảm phần “ngọn,” mà cần phải xử lý triệt để túi nilon ngay tại “gốc,” cấm từ nguồn sản xuất.
“Ô nhiễm túi nilon đã ở mức khủng khiếp”
Tại hội thảo kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại tỉnh Bình Định, phó giáo sư tiến sĩ Võ Văn Toàn, Trường đại học Quy Nhơn khẳng định rằng ô nhiễm chất thải nhựa, túi nilon hiện nay đã ở mức cực kỳ nghiêm trọng và rất khủng khiếp.
“Ở tất cả tỉnh thành, chỗ nào cũng thấy tràn lan rác thải túi nilon,” ông Toàn chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cũng khẳng định, cùng với sự phát triển dân số và kinh tế, số lượng chất thải nhựa và túi nilon phát sinh tại Việt Nam đang gia tăng nhanh khủng khiếp.
Ông Nhân cho biết, từ số liệu điều tra cho thấy lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. “Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm,” ông Nhân nói.
Vậy nhưng, theo đại diện Tổng cục Môi trường, ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp, cũng như người sử dụng.
Đơn cử như tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả khảo sát của Quỹ tái chế chất thải cho thấy, người dân thành phố này đã quá phụ thuộc vào túi nilon khi 93% người đi mua hàng hoàn toàn không đem theo túi vì cho rằng khi mua hàng, người bán hàng đã chuẩn bị sẵn những túi nilon để dựng.
Ngoài ra, một phần tư số người đi chợ cho rằng sẽ rất bất tiện nếu phải lỉnh kỉnh xách theo túi nilon từ nhà mỗi khi đi mua sắm.
[Lạm dụng túi nilon, Việt Nam đối mặt vấn nạn ‘ô nhiễm trắng’]
Vậy sau khi tiếp tay người tiêu dùng, những chiếc túi nilon “thần kỳ” ấy sẽ đi về đâu? Bao nhiêu phần trăm số túi nilon sau thải bỏ sẽ được tái chế, tái sử dụng, hay đưa đi chôn lấp, vứt thải trực tiếp ra môi trường?.
Chia sẻ về thực trạng trên, giáo sư tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi, đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, những năm gần đây, lượng rác thải nhựa đã tăng lên không ngừng cùng với nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa. Phần lớn sản phẩm nhựa con người đang sử dụng là nhựa dùng một lần sau đó thải bỏ.
Số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, người Việt Nam đang dùng khoảng 30-40 kg nhựa/người/năm, với dân số và nhu cầu tiêu dùng hiện nay thì số lượng túi nilon được tiêu thụ mỗi năm là con số không nhỏ.
“Thế nhưng, thực tế cho thấy, chỉ có khoảng 14% chất thải nhựa được thu hồi để tái chế. Số còn lại được chôn lấp, và đổ thải trực tiếp ra môi trường,” bà Chi nói.
Khảo sát tại khu xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội cũng cho thấy, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 4.500 tấn rác. Phần lớn rác thải nhựa đều được chôn lấp. Thế nhưng, khi đào lên một đống rác được chôn lấp cách đây 20 năm, có thể thấy, sau một vài trận mưa, mùn hữu cơ đã trôi đi, nhưng những chiếc túi nilon vẫn còn nguyên vẹn.
Theo phân tích của ngành môi trường, trước đây tỷ lệ túi nilon trong rác khoảng dưới 5% nhưng đến nay, do thói quen tiêu dùng của con người, tỷ lệ túi nilon lẫn trong rác sinh hoạt lên đến hơn 10%.
Đáng báo động là, “trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa thì Việt Nam đứng thứ 4 chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, và Philippines,” bà Chí nhấn mạnh.
Cần xử lý tại “nguồn,” cấm từ “gốc”
Trước thảm họa “ô nhiễm trắng” do chất thải nhựa, túi nilon gây ra, nhiều ý kiến cho rằng việc sản xuất túi nilon thân thiện môi trường là một trong những giải pháp căn cơ loại bỏ dần túi nilon như hiện nay. Tuy nhiên, túi nilon thân thiện với môi trường hiện vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Thực tế cho thấy, đã có thời gian, tại nhiều siêu thị, cửa hàng, người bán ở chợ, khi gói hàng cho khách, không dùng túi nilon, mà dùng túi giấy, túi vải. Có những siêu thị còn tổ chức phát miễn phí loại túi thân thiện với môi trường cho khách hàng.
Thế nhưng, các hoạt động vận động, kêu gọi hạn chế hoặc không sử dụng túi nilon mới chỉ hướng tới đối tượng là người sử dụng và chỉ diễn ra theo “phong trào,” còn các nhà sản xuất, nguồn cung ứng túi nilon ra thị trường, gây ô nhiễm môi trường thì vẫn chưa được các nhà quản lý đề cập tới.
Vẫn biết túi nilon sau khi sử dụng là rác thải nguy hại, vậy tại sao bao năm qua chúng ta mới chỉ kêu gọi cắt giảm phần “ngọn” mà chưa hướng đến phần “gốc.” Vì sao cơ quan quản lý vẫn để các cơ sở sản xuất hàng ngày đều đặn làm ra hàng trăm ngàn tấn túi nilon, mà không hề “tuýt còi” ngăn chặn hay cấm sản xuất như vậy?
[Xử lý ô nhiễm chất thải nhựa: Nên loại bỏ hay để "biển đầy nhựa"?]
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Viện Chiến lược Tài nguyên và Môi trường, khẳng định, ô nhiễm chất thải nhựa đã đến lúc cần phải có giải pháp can thiệp ngay tại nguồn. Nếu cấm được từ “gốc,” tương lai sẽ không còn thảm họa ô nhiễm túi nilon.
Quan trong hơn là, nếu xử lý triệt để từ “gốc,” con đường vận động nói “không” với túi nilon chắc chắn sẽ “bằng phẳng” hơn nhiều, sẽ không phải “leo ngược dốc.”
Tuy nhiên, đại diện Viện Chiến lược Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày một lớn, việc cấm sử dụng túi nilon là rất khó. Vì thế, nhà nước cần xây dựng lộ trình loại bỏ sản xuất và tiêu dùng túi nilon khó phân hủy; đẩy mạnh sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường.
“Hiện nay, túi nilon thân thiện chưa cạnh tranh được với các loại túi nilon khó phân hủy đang thông dụng hiện nay về giá cả. Vì thế, cần sự hỗ trợ kinh tế của nhà nước để mang tính tạo đà trong một thời gian nhất định,” đại diện Viện Chiến lược Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.
Về mặt pháp lý, mặc dù Luật Thuế bảo vệ môi trường đã có hiệu lực từ năm 2012. Theo đó, mỗi kg túi nilon khó phân hủy sẽ chịu 40.000 đồng tiền thuế. Thông thường, loại túi nilon này được bán với giá 30.000 đồng/kg, nếu tính cả tiền thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng thì giá bán phải trên 70.000 đồng/kg.
Thế nhưng, hiện nay, túi nilon khó phân hủy được bày bán tại các chợ, hàng tạp hóa vẫn phổ biến trên dưới 30.000 đồng/kg vì nhiều doanh nghiệp sản xuất túi nilon không đóng thuế bảo vệ môi trường, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là sự không sòng phẳng trên thị trường túi nilon.
Chính nghịch lý trên đã dẫn đến việc các tiểu thương, người dân không mặn mà với việc sử dụng túi thân thiện với môi trường theo các phong trào, chiến dịch phát động trong thời gian qua. Thay vào đó, phần lớn người tiêu dùng vẫn lựa chọn loại túi nilon khó phân hủy vì giá rẻ hơn, và nó đã trở thành thói quen bấy lâu nay.
Khi các chiến dịch nói “không” với túi nilon không cải thiện được thói quen tiêu dùng, trong khi túi nilon thân thiện với môi trường không cạnh tranh nổi túi nilon khó phân hủy, mọi gánh nặng về việc tiêu dùng, sử dụng túi nilon khó phân hủy quá mức lại đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải.
Đơn cử như tại Hà Nội, thống kê của Bộ tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi ngày toàn thành phố thải ra môi trường 4.000-5.000 tấn rác, trong đó có tới 7-8% là túi nilon. Con số này còn cao hơn nhiều tại Thành phố Hồ Chí Minh khi đô thị này mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 tấn rác, trong đó, rác thải nilon chiếm khoảng 10%/tổng lượng rác thải.
Sức ép rác thải nhựa đã khiến giải pháp xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp càng gặp khó khăn, bởi thời gian phân hủy túi nilon rất lâu, chi phí xử lý tốn kém. Đi kèm với đó là mối lo ô nhiễm đất, nguồn nước, và đặc biệt là sức khỏe con người./.
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Thời gian qua, nhiều quốc gia đã đưa ra giải pháp mạnh như cấm sử dụng túi nilon để giải quyết vấn đề này.
Kenya là một điển hình. Quốc gia Kenya tẩy chay túi nilon đến mức đưa ra một đạo luật được đánh giá là “nặng nhất thế giới.” Đó là cấm sử dụng và bất kỳ ai vi phạm sẽ phải ngồi 4 năm tù, hoặc đóng gần 900 triệu đồng.
Trên thực tế, hiện nay đã có khoảng 40 quốc gia trên thế giới đã ban hành Luật cấm sử dụng túi nhựa. Chỉ có điều, lệnh cấm của Kenya ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, trong khi các nước khác vốn chỉ dừng ở mức răn đe và khuyên nhủ.