Bài 2: Sự phát triển “thần tốc” của thị trường thực phẩm chức năng

Thị trường trong nước đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng cũng như các loại sản phẩm.
Hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ được lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo thống kê, khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, tại hầu hết các bệnh viện, nhất là bệnh viện tư, các hiệu thuốc đều có bán thực phẩm chức năng và có các đối tượng sử dụng thực phẩm chức năng, kể cả ở các làng, xã miền núi, biên giới, hải đảo.

[Bài 1: "Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng]

Nhiều vụ nhập viện vì thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Hậu quả mà nó gây ra cho sức khoẻ con người rất lớn. Đó còn là thực trạng sự phát triển như vũ bão của thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và xu hướng bán hàng trên mạng online.

Gần 20 triệu người sử dụng thực phẩm chức năng

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, thực phẩm chức năng xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2.000, khi đó chủ yếu là thực phẩm chức năng nhập khẩu. Đến nay, hơn 70% các sản phẩm thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường Việt Nam là do các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng trong nước sản xuất, còn hơn 20% là thực phẩm chức năng nhập khẩu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất khẩu thực phẩm chức năng ra nước ngoài.

Thị trường trong nước cũng đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng cũng như các loại sản phẩm.

Phó giáo sư Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho hay, năm 2.000 nếu như mới chỉ có 13 doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm chức năng với 63 sản phẩm. Đến năm 2016 đã có 1.872 công ty sản xuất kinh doanh với 3.447 sản phẩm, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ lớn.

Giá thực phẩm chức năng như một “mâm cỗ” rất đa dạng, từ vài chục, vài trăm đến cả triệu đồng đều có, tuỳ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng, số người sử dụng thực phẩm chức năng ngày càng tăng trong những năm qua. Đáng lưu ý, hiện nay số người tiêu dùng thực phẩm chức năng đã chiếm 1/5 dân số.

Nếu như năm 2.000, số người biết và sử dụng thực phẩm chức năng còn rất ít, chỉ tập trung ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn. Ước tính khi đó chỉ có khoảng 500.000 người sử dụng (khoảng 0,5% dân số).

Tuy nhiên, số người sử dụng thực phẩm chức năng liên tục gia tăng và tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Nếu năm 2005, có xấp xỉ khoảng 1 triệu người ở 23 tỉnh, thành phố sử dụng thực phẩm chức năng (chiếm 1,1% dân số) thì đến năm 2010, cả nước có khoảng 5,700 triệu người sử dụng (chiếm 6,6% dân số) ở khắp 63 tỉnh, thành.

Năm 2015, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên với khoảng 15,5 triệu người dùng (chiếm 17% dân số) ở khắp các tỉnh, thành và đến năm 2017, số người dùng thực phẩm chức năng đã tăng lên 21% dân số, gần 20 triệu người.

Mua hàng qua mạng: Mảnh đất màu mỡ

Có thể thấy, thị trường thực phẩm chức năng hiện nay tại Việt Nam đang là một mảnh đất màu mỡ, nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội trong thời kỳ cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, xu hướng bán hàng online đang lên ngôi khi ai cũng có thể là một người bán hàng trên môi trường mạng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và các cá nhân đã áp dụng thương mại điện tử thông qua các website, mạng xã hội để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng… Và đây cũng là một kênh đang được nhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại một cách công khai nhiều mặt hàng thực chất là hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là với mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng. Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế khu vực và ngành công nghiệp thực phẩm cũng không nằm ngoài đóng góp này. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm thực phẩm chức năng đã góp phần làm cho thị trường này ngày càng phong phú, đa dạng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng phải thừa nhận, các sản phẩm thực phẩm chức năng được bán ở rất nhiều nơi, từ cửa hàng, siêu thị, các nhà thuốc tới các shop online trên website hoặc mạng xã hội…

“Cùng với đó cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến các vi phạm, lạm dụng trong việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo các mặt hàng này như quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật; Sản xuất không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; Ghi nhãn không đúng với các quy định của pháp luật; Sản xuất khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; hoặc sản xuất ở nơi không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm…,” Thứ trưởng Trương Quốc Cường phân tích.


Những con số 0 tròn trĩnh

Nói về kênh bán hàng trên mạng, ông Nguyễn Văn Lợi - (Cục quản lý Dược, Bộ Y tế) nhấn mạnh, với hàng hoá mua trên mạng không ai dám đảm bảo xuất xứ, nguồn gốc.

Rao bán thực phẩm chức năng xách tay trên face book hiện nay được nhiều người áp dụng.

“Bởi với những người nhập về số lượng lớn thì phải công bố và nhập khẩu được. Hình thức kinh doanh trên mạng là một loại hình kinh doanh mà hiện nay chúng ta vẫn phải đang thừa nhận, tuy nhiên vấn đề quản lý được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá đó vẫn là cả một vấn đề như ai sản xuất? Nhập khẩu ở đâu? Tổ chức hay cá nhân nào chịu trách nhiệm? Với việc bán hàng trên mạng, trả lời tất cả những câu hỏi này đều con số 0 cả,” ông Lợi quyết liệt.

“Tôi xin dám đảm bảo không có thuật ngữ hàng xách tay và cũng không nên dùng hàng hand made. Bởi đây là mặt hàng không ai kiểm định được chất lượng như thế nào, điều kiện sản xuất của sản phẩm đó không đáp ứng – đó là điều chắc chắn. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở cơ sở hợp pháp và phải rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân đã đưa sản phẩm này ra thị trường,” ông Nguyễn Văn Lợi - Cục quản lý Dược chỉ rõ.

Cùng quan điểm về vấn đề này, bà Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bày tỏ quan điểm với thực phẩm chức năng xách tay, cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua, lựa chọn mua những thực phẩm chức năng chưa công bố đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu như người tiêu dùng không sáng suốt, cứ thấy online giới thiệu sản phẩm, thấy công dụng được quảng cáo phù hợp với mình thì khuyến cáo của nhà quản lý không nên lựa chọn hàng như vậy.

Xu hướng bán hàng online đang "lên ngôi."

“Còn với hàng xách tay, không có thuật ngữ hàng xách tay được kinh doanh, hàng xách tay chỉ được mang về để sử dụng cá nhân, nếu bán ra thị trường là vi phạm pháp luật. Những điều này người tiêu dùng phải lưu ý, đã nhập về để sản xuất kinh doanh thì phải có sự kiểm soát,” bà Nga nhấn mạnh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế đã phải thốt lên rằng: Không ở đâu dễ như ở Việt Nam khi mua và sử dụng các sản phẩm thuốc, thực phẩm chất năng trong khi việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng phải hết sức thận trọng. Bởi bất kể doanh nghiệp công bố các tiêu chuẩn ra thị trường ra sao, chưa chắc công bố đó đã là một “hằng số” đúng.

Và thật sự, rất nhiều vụ việc vi phạm liên quan tới mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đã được phát hiện, phanh phui trong thời gian vừa qua.

Vậy, vì sao thực phẩm chức năng lại có tình trạng trên, những lỗ hổng nào trong cơ chế quản lý khiến các doanh nghiệp thả sức tung hoành?

Bài 3: “Vàng thau lẫn lộn”: Đến bác sỹ cũng phải ngả mũ sợ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục