LOẠT BÀI “KINH TẾ XANH - TẠO ĐỘNG LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG”

Bài 2: ‘Xanh hóa’ giao thông: Con đường phải đi để phát triển bền vững

Ngành Giao thông Vận tải đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng các phương thức vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt thân thiện với môi trường.
Các cảng biển đã chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong bốc xếp hàng hóa container. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngành Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên tập trung, đẩy mạnh “Xanh hóa” ở nhiều lĩnh vực, chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ...

Lên lộ trình “Xanh hóa” giao thông

Trong xu hướng hội nhập thế giới, ngành hàng hải đã và đang chuyển mình sang công nghệ “Xanh” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã công bố tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí “cảng Xanh” để các doanh nghiệp tự có lộ trình chuyển đổi phù hợp, cũng như tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.

Để được công nhận là “cảng Xanh,” các cảng phải đáp ứng nhiều tiêu chí từ việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (Gió, Mặt Trời...), sử dụng nhiên liệu LNG, hydro, amoniac... Cảng cũng có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa các chuỗi vận hành khai thác; thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử…

Vào năm 2018 Cảng Tân Cảng Cát Lái và tới năm 2021 Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (tại Thành phố Hồ Chí Minh) đã được APEC công nhận là cảng Xanh vì đạt các tiêu chí về cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch…

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định hoạt động khai thác cảng biển đang được “Xanh hóa” là xu hướng chiến lược trong sự phát triển trên thế giới nhằm kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng ngừa tốt các sự cố, rủi ro môi trường, hạn chế phát thải các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu.

Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh đã lên lộ trình thay thế xe buýt sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng “Xanh,” Chính phủ cũng giao mục tiêu cho Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến năm 2030 tỷ lệ xe buýt “Xanh” đạt tối thiểu 50% và đến năm 2035 đạt 100%.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết Thủ đô hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.

Đưa ra con số 2.034 xe đang vận hành với 277 xe sử dụng năng lượng sạch (gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng), đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay thành phố vẫn có 1.757 xe buýt đang sử dụng nhiên liệu diesel cần có lộ trình thay thế sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch.

Lộ trình chuyển đổi dự kiến đang được Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu để chia thành từng giai đoạn bao gồm: Giai đoạn 1 từ năm 2025-2030, với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 7,73%/năm, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm. Giai đoạn 2 kéo dài từ năm 2031-2035, với tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 8%/năm, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm.

Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào vận hành 77 xe buýt điện hoạt động tại 5 trên tổng số 128 tuyến. Ngoài ra còn có thêm 500 xe buýt chạy bằng CNG. Hiện, Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được Ủy ban Nhân dân thành phố giao xây dựng chủ trương phát triển xe điện hóa và xe thân thiện môi trường, dự kiến trình lên từ đầu năm 2024.

Giảm chi phí, tăng năng suất

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng cảng biển thông minh cũng như định hướng phát triển “cảng Xanh” vừa giúp bảo vệ môi trường, tăng sức cạnh tranh cho chính doanh nghiệp.

Theo đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị sở hữu Cảng Tân Cảng Cát Lái), một nghiên cứu cho thấy vận tải biển chiếm 3-4% lượng khí thải CO2 do con người tạo ra trên toàn thế giới. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 17% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2050 nếu không được kiểm soát.

Để “Xanh hóa” cảng biển, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tập trung thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 Teus (thay thế được khoảng 2.000 xe ôtô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút, triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000-50.000 tờ/ngày; xây dựng được những giải pháp giảm bụi trong không khí; xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông,…

Ông Hồ Liên Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn cho biết năng lực của cảng Quy Nhơn ngày càng tăng nhờ vào việc đầu tư “Xanh” các thiết bị ở cảng.

Vị lãnh đạo này đưa ra ví dụ cần cẩu sử dụng nhiên liệu dầu khi bốc một mã hàng sẽ mất gần 1 lít dầu, tương ứng 20.000 đồng. Tuy nhiên, khi sử dụng cẩu điện sẽ chỉ tốn khoảng 3.000 đồng. Chưa kể các thiết bị, vật tư sử dụng điện cũng ít bị hao mòn và nếu sửa chữa cũng rẻ hơn thiết bị dùng diesel.

“Khi sử dụng các thiết bị bằng điện, năng suất làm hàng tăng khoảng 10-20%. Đặc biệt, chi phí vận hành cũng giảm đáng kể,” ông Nam nhìn nhận.

Khi sử dụng các thiết bị bằng điện, năng suất làm hàng tại các cảng biển tăng khoảng 10-20%. Đặc biệt, chi phí vận hành cũng giảm đáng kể. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đại diện Cảng Gemalink và Cảng Nam Đình Vũ (tại Hải Phòng) thông tin thêm hiện các hãng tàu lớn trên thế giới đang thiết lập vòng tròn logistics sử dụng năng lượng “Xanh,” sạch. Do đó, cảng nào đáp ứng được yêu cầu này mới được tham gia vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Ông Trần Khánh Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng chính các doanh nghiệp cũng được hưởng nhiều lợi thế và cơ hội khi xanh hóa cảng bởi việc đầu tư trang thiết bị không chỉ để “Xanh”, còn giải quyết bài toán tăng năng lực. Cảng có công suất tốt, năng suất cao sẽ có thế mạnh cạnh tranh cao so với các cảng nhỏ, đầu tư manh mún.

Cách nào đẩy mạnh “giao thông Xanh”?

Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng Xanh, sạch, phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chỉ ra quá trình triển khai đã gặp phải một số khó khăn, thách thức như chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng Xanh (CNG/LNG) lớn, cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel; áp lực về các khoản chi phí đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp (trạm biến áp, hệ thống cung cấp điện…); chưa có bộ đơn giá, định mức.

Đại diện các Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần có các cơ chế, chính sách về hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch; hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ; quy hoạch, nâng cấp nguồn điện để đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ cho hệ thống các trạm sạc.

Việc chuyển đổi từ xe buýt chạy bằng nhiên liệu dielse sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng Xanh sẽ tốn nhiều chi phí đầu tư mua sắm phương tiện. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Với các cảng biển, hiện Nhà nước chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi sang năng lượng Xanh, còn các doanh nghiệp chưa ước tính được tổng kinh phí cho việc này.

Đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho biết các cảng sau này ra đời đều phải ký cam kết với quốc tế về việc xây dựng mô hình theo hướng cảng Xanh. Vị này cho rằng trước mắt có thể chưa triển khai được ngay nhưng cần có hành động và lộ trình phù hợp.

Ông Ngô Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng thừa nhận khi chuyển đổi mô hình sang cảng thông minh, việc đầu tư các trang thiết bị điện tử khá tốn kém.

“Vốn đầu tư vô cùng quan trọng nên không dễ để các doanh nghiệp có thể đầu tư các trang thiết bị hiện đại,” ông Hiếu bày tỏ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao giao thông bền vững toàn cầu năm 2023 tại Trung Quốc vào cuối tháng Chín vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định Việt Nam coi phát triển giao thông vận tải bền vững với môi trường là một ưu tiên tập trung. Việt Nam cũng đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng các phương thức vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các nước tăng cường hợp tác trong xây dựng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế chung về giao thông bền vững toàn cầu; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ liên quan đến chuyển đổi năng lượng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải. Đây là một lĩnh vực tương đối mới đối với các nước đang phát triển và cần kinh nghiệm, hỗ trợ của các nước phát triển trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này.

Bộ trưởng cũng đề nghị các nước tăng cường trao đổi, hợp tác để tìm kiếm các nguồn tài chính, hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, các nguồn vốn ODA trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cũng như quá trình thực hiện các chương trình, dự án chuyển đổi năng lượng Xanh của ngành Giao thông Vận tải tại các nước đang phát triển và kém phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục