Trong đại dịch COVID-19, hệ thống các bệnh viện dường như “đóng băng” với việc tiếp nhận các bệnh nhân. Chỉ có những bệnh viện chuyên biệt được chỉ định, tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, nhưng phải có sự xác nhận của y tế cơ sở về tình trạng của bệnh nhân.
Có lẽ, chưa bao giờ hệ thống điều trị được phân tầng một cách rõ rệt và quy củ đến như vậy. Không còn cảnh người dân tự vượt tuyến, thích bệnh viện nào là vào viện đó như trước kia. Và cũng chưa bao giờ mà y tế cơ sở lại thực sự “lên ngôi” như trong thời gian vừa qua…
Thế nhưng, thực trạng “quá tải” của mạng lưới y tế cơ sở khi những “cơn sóng thần” COVID-19 càn quét qua đã thực sự gióng lên một hồi chuông đáng báo động.
Đầu tư cho y tế cơ sở: "Đếm trên đầu ngón tay"
Đại dịch COVID-19 xảy ra tại Việt Nam cho thấy nguy cơ lớn nhất của dịch bệnh này là bệnh nhân chuyển sang trạng thái nặng và tử vong. Để thực sự sống chung với dịch và chủ động, linh hoạt khống chế tỷ lệ nhiễm, số ca nặng, tử vong thì trong thời gian qua, nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã có những kinh nghiệm thực tế. Đây cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu quốc hội quan tâm và có những ý kiến đóng góp, đề xuất để xây dựng hệ thống y tế cơ sở vững chắc nhất.
[Bài 1: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”]
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, mặc dù đã có quy định về phân bổ ngân sách cho y tế dự phòng, nhưng các địa phương làm được điều này chỉ "đếm trên đầu ngón tay".
Vì vậy, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần có chính sách xuyên suốt, thống nhất quan điểm chỉ đạo từ Chính phủ đến Bộ Y tế để có chính sách cụ thể về y tế cơ sở.
"Giai đoạn dịch bệnh vừa qua cho thấy nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề căn cơ thì sẽ tiếp tục bị động. Bởi việc xây dựng y tế cơ sở không chỉ cần tiền mà cần thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao. Hiện 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng không nhiều so với nhu cầu thực tế," bà Lan nhấn mạnh.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) thẳng thắn nhận định đại dịch COVID-19 cũng là một phép thử về tầm quan trọng và những điểm yếu bộc lộ của y tế cơ sở và y tế dự phòng, đó chính là chất lượng đội ngũ, vấn đề tài chính và cơ sở vật chất. Đại biểu này cũng chỉ ra một bất cập là việc khó thu hút được nhân lực xuống cơ sở để làm việc, do đó các cơ quan quản lý cần phải ban hành chính sách cho phù hợp.
[Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt]
Trên cơ sở đó, đại biểu Châu Quỳnh Giao đề nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nhân viên y tế, cán bộ y tế cấp cơ sở được học tập nâng cao trình độ, hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ về mặt thời gian để tạo cơ hội thăng tiến; đảm bảo có thêm thu nhập bằng cách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động y tế trong khu vực là y tế dự phòng từ trạm y tế, trung tâm y tế đến trung tâm kiểm soát dịch bệnh.
Đại biểu Châu Quỳnh Giao đề xuất: “Chúng ta cần mở rộng thêm loại hình chăm sóc sức khỏe gia đình. Bởi vì xu thế hiện nay người bị mắc bệnh mãn tính, người già, người không tiện đi lại rất cần loại hình này hay kích thích cung ứng những dịch vụ hỗ trợ trong y tế, chăm sóc y tế và phòng, chống bệnh. Đây là những điểm có thể tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở, để họ yên tâm phát triển tay nghề phục vụ tốt hơn cho người dân.”
Đóng góp ý kiến ở khía cạnh chuyên môn, ông Nguyễn Tri Thức - đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phân tích vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng, “len lỏi” vào từng ngóc ngách, chăm sóc sức khỏe cho từng người dân. Thế nhưng, trong một thời gian dài, hệ thống y tế cơ sở lại chưa được đầu tư tương thích so với sự phát triển của xã hội nói chung.
“Mong Quốc hội và Chính phủ có những chính sách tập trung vào phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn đồng thời có sự luân phiên cán bộ y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến địa phương, tuyến tỉnh, tuyến huyện về trạm y tế cơ sở,” bác sỹ Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.
Tránh để hệ thống y tế “vỡ trận”
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, từ dịch COVID-19 vừa qua cho thấy khi y tế dự phòng “vỡ trận,” gánh nặng bệnh nhân đè lên khối điều trị. Có những thời điểm, các bệnh viện đóng cửa và không thể tiếp nhận nhận bệnh nhân… dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
“Bản thân tôi cũng đã phải trực tiếp giải quyết rất nhiều trường hợp theo kiểu ‘mối quan hệ quen biết’ nhưng các bác sỹ cũng nói thẳng là vì nể nang chứ không có giường, không có oxy và cuối cùng cũng chỉ chứng kiến bệnh nhân chết mà thôi. Lúc này chỉ biết dùng từ ‘tan tác’ để nói về hệ thống y tế,” bà Phạm Khánh Phong Lan dẫn chứng.
Theo bà Lan, ngân sách cho y tế, đặc biệt là y tế cơ sở-y tế dự phòng, hiện chưa thỏa đáng, mới chỉ chú ý vào tầm cao, bề ngoài nhưng cái cốt lõi, nền tảng cơ bản là y tế cơ sở thì chưa đầu tư xứng đáng. “Ba nhánh của y tế gồm điều trị, cung ứng và dự phòng đều quan trọng nhưng dự phòng tạo nền móng. Nền móng không vững chắc thì hệ thống sẽ lung lay, thậm chí sụp đổ,” bà Lan nhấn mạnh.
Vì vậy, vị đại biểu này cho rằng để khắc phục sự đầu tư “lệch pha” đòi hỏi sự can thiệp quyết liệt từ những người làm chính sách, làm sao cho y tế dự phòng phát triển theo khả năng và bắt kịp nhu cầu. Có như vậy mới, hệ thống y tế mới có thể "dĩ bất biến ứng vạn biến" được với những tình huống mới.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay trên cả nước có 11.112 trạm y tế xã, 624 bệnh viện tuyến huyện (bao gồm cả bệnh viện của các ngành khác), 44 bệnh viện tuyến Trung ương. Những số liệu trên cho thấy tuyến y tế cơ sở gồm trạm y tế xã, phường và bệnh viện tuyến huyện chiếm tỷ lệ lớn nhưng hiện tại mức đầu tư cũng như cơ chế tài chính rất khiêm tốn.
Biểu đồ phân tầng các cơ sở y tế theo các tuyến:
Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận hiện nay chưa có cơ chế tài chính hữu hiệu để tạo động lực cho y tế cơ sở phát triển. Phương thức phân bổ ngân sách dựa trên đầu vào (biên chế, giường bệnh, chi hành chính…), phương thức thanh toán bảo hiểm y tế chưa phù hợp. Cơ chế giá và đồng chi trả bảo hiểm y tế chưa phù hợp để hạn chế tuyến trên cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới thực hiện được, thu hút người dân khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở.
Hiện vẫn còn tình trạng thiếu hụt và mất cân đối trong phân bổ nguồn tài chính giữa tuyến trên và y tế cơ sở. Tỷ lệ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và xã khoảng 70% nhưng tỷ trọng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế chỉ khoảng 30% (tỷ lệ khám chữa bênh bảo hiểm y tế ở tuyến xã hiện nay khoảng 20% nhưng tỷ trọng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế chỉ 3%; tuyến huyện là trên 50% nhưng tỷ trọng sử dụng quỹ bảo hiểm y tế khoảng 28%).
Bộ Y tế lý giải do yêu cầu bức bách về khám chữa bệnh, ngân sách nhà nước trong những năm qua tập trung nhiều hơn cho xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị mà chưa đầu tư thỏa đáng cho phát triển y tế công cộng và phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhiều địa phương chưa bảo đảm 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Đầu tư còn thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ, vẫn còn một số bệnh viện/trung tâm y tế huyện chưa được đầu tư là thực trạng của ngành y tế. Thực tế cho thấy Luật Ngân sách nhà nước quy định ngân sách địa phương có trách nhiệm đầu tư cho y tế địa phương. Nghị quyết 68 của Quốc hội giao đến 2020 hoàn thành đầu tư, nâng cấp trạm y tế xã ở các vùng khó khăn. Tuy nhiên, do các vùng khó khăn lại ở địa bàn tỉnh thu ngân sách thấp nên trong khi ngân sách trung ương chưa đủ nguồn hỗ trợ, thì các địa phương này rất khó hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra./.
Mời độc giả đón đọc toàn bộ loạt bài:
Bài 1: Y tế cơ sở: Thành trì vững chắc để ''Dĩ bất biến, ứng vạn biến''
Bài 2: Khi “sự thật khó tin” diễn ra hằng ngày, trước mắt
Bài 3: ''Chân đế lỏng lẻo, hệ thống điều trị sẽ khó đứng vững''
Bài 4: COVID-19 là phép thử “đắt giá” định vị lại hệ thống y tế cơ sở
Bài 5: Dồn tổng lực để cải thiện “thể trạng” hệ thống y tế cơ sở