Bài 3: Hà Nội trong hành trình trở thành điểm đến tri thức và sáng tạo

“Mỗi người dân là một sứ giả quảng bá hình ảnh Thủ đô thân thiện, mến khách, xứng đáng với danh hiệu Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.”
Nút giao thông Đại lộ Thăng Long-Phạm Hùng-Nguyễn Chí Thanh, một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Nút giao thông Đại lộ Thăng Long-Phạm Hùng-Nguyễn Chí Thanh, một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Trải qua hai thập kỷ từ khi đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình,” Hà Nội không chỉ phát huy được những giá trị truyền thống mà còn trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, là nơi trao đổi các sáng kiến khu vực và quốc tế vì nền hòa bình, ổn định và phát triển.

“Người Tây ở xứ ta”

Cứ vào thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần, James Joseph Kendall - người thường được nhắc đến với tên gọi “ông Tây dọn rác” lại cùng các tình nguyện viên tiến hành thu gom rác thải tại các cống, mương, rãnh thoát nước… trên địa bàn Hà Nội.

Đến nay, James Joseph Kendall đã gắn bó với dải đất hình chữ S được khoảng 6 năm và anh luôn coi đây là quê hương thứ hai của mình. Bởi vậy, anh luôn mong muốn góp sức làm cho quê hương ấy đẹp, sạch và văn minh hơn.

James Joseph Kendall nổi tiếng sau khi hình ảnh anh cùng các cộng sự trong nhóm Keep Hanoi Clean (Giữ Hà Nội sạch) xuống mương vớt rác tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) hồi tháng 5/2016 được lan truyền trên mạng xã hội.

[Du khách quốc tế thích thú hòa mình vào nhịp sống của người Hà Nội]

“Ông Tây” ấy bảo, lý do và động lực để anh bắt đầu và duy trì dự án này là tình yêu đối với Hà Nội - thành phố vì hòa bình. Hà Nội rất đẹp, bình yên và “ông Tây dọn rác” luôn mơ tới hình ảnh thành phố này sẽ ngày càng đẹp hơn nữa khi chúng ta chung tay làm sạch môi trường. Mục đích của "ông Tây" không đơn thuần chỉ là dọn dẹp rác thải ở các điểm dân cư. James muốn người dân thay đổi nhận thức về việc để rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi.

Bài 3: Hà Nội trong hành trình trở thành điểm đến tri thức và sáng tạo ảnh 1James Joseph Kendall thích được gọi là "ông Tây vì tình yêu Hà Nội." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Xoa hai bàn tay với nhiều vết cắt khi bị các vật sắc nhọn đâm phải hoặc do cố bám vào hàng rào sắt trong quá trình dọp dẹp rác, James bảo: “Tôi cảm thấy thật điên rồ trong lần đầu tiên bước chân xuống bùn. Tôi có cảm giác như mình đang bị chìm xuống đáy. Thế nhưng, tôi không có ý định dừng lại, tôi thấy mình cần phải làm việc này. Nếu ai cũng ngại việc khó khăn thì ai sẽ là người thực hiện?”

Năm 2016, James Joseph Kendall cùng nhóm Keep Hanoi Clean - Giữ Hà Nội Sạch được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (hạng mục giải thưởng “Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội”). James Joseph Kendall cho biết, anh rất thích được gọi bằng những cái tên như “ông Tây dọn rác” hay “hiệp sỹ dọn rác.” Thế nhưng, anh thực sự thích thú khi có ai đó gọi mình là “ông Tây vì tình yêu Hà Nội.”

Không dừng lại ở đó, James Joseph Kendall và các cộng sự tổ chức lớp học tiếng Anh dành cho trẻ em và người lớn. Chương trình học không chỉ giúp học viên tự tin hơn trong giao tiếp, sử dụng tiếng Anh mà còn hướng tới các chủ đề, hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Cùng với James Joseph Kendall, Hà Nội cũng là điểm dừng chân của nhiều nghệ sỹ, đoàn nghệ thuật nước ngoài tại các chương trình như Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa... Các hội chợ-triển lãm sách quốc tế (như Hội sách Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam tổ chức tại Công viên Thống Nhất…) thường xuyên thu hút hơn 20 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách quốc tế uy tín trong khu vực và trên thế giới (như Magellan - Đức, Crimon - Anh, Willey - Singapore, Kyowon - Hàn Quốc…) tham dự.

Lượng khách du lịch đến Hà Nội cũng không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm 2019, du lịch Hà Nội đã đạt dấu mốc mới về doanh thu và lượng khách khi đón gần 14,4 triệu lượt khách (tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước) và đạt doanh thu hơn 50 nghìn tỷ đồng (tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước). Kết quả trên là tiền đề để Hà Nội có thể thực hiện được mục đặt ra đến hết năm 2019 sẽ đón khoảng 29 triệu lượt khách với tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 103.000 tỷ đồng.

Bài 3: Hà Nội trong hành trình trở thành điểm đến tri thức và sáng tạo ảnh 2Khung cảnh Hà Nội yên bình. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2019, Hà Nội tiếp tục có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín về du lịch: được nhận giải Travelers’ Choice Awards năm 2019, xếp thứ 4/25 điểm đến hàng đầu châu Á; xếp thứ 15/25 điểm đến hàng đầu thế giới do du khách bình chọn trên trang TripAdvisor. Gần đây, hãng thông tấn CNN của Mỹ bình chọn Hà Nội là điểm đến của Việt Nam lọt tốp “Danh sách vàng những điểm du lịch tốt nhất châu Á” năm 2019.

Trước đó, Hà Nội được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử là một trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018.”

Cầu nối hòa bình, hữu nghị

Hà Nội những ngày tháng Hai, đường phố rực rỡ cờ hoa. Người dân Hà Nội trang trí cửa hàng chào đón Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai, cung cấp dịch vụ cắt tóc miễn phí, tổ chức các chuyến du lịch, trải nghiệm, khám phá thành phố cho phóng viên nước ngoài đến đưa tin về hội nghị. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: “Mỗi người dân là một sứ giả quảng bá cho hình ảnh Thủ đô thân thiện, mến khách, xứng đáng với danh hiệu Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.”

Trên đường phố không khó để bắt gặp hình ảnh người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin tức liên quan đến sự kiện đặc biệt này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các sạp báo in cũng nô nức hơn ngày thường. “Không khí vui như Tết! Lâu lắm rồi các sạp báo mới rộn ràng như thế! Có vẻ như, người dân háo hức ngóng chờ từng số báo mới cập nhật, phân tích sự kiện lần này còn hơn cả ngày trước nóng lòng đón đọc báo Tết, báo Xuân,” chị Anh Thư (chủ một cửa hàng báo trên phố Hai Bà Trưng) bày tỏ.

[Hà Nội lạ mà quen trong những chuyển động không ngừng]

Theo ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai (ngày 27, 28/2) đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trên trường quốc tế. Từ một thành phố phải trải qua chiến tranh, nỗ lực khắc phục những hậu quả ở thời hậu chiến, Hà Nội đã trở thành điểm kết nối, góp phần kiến tạo hòa bình.

Bài 3: Hà Nội trong hành trình trở thành điểm đến tri thức và sáng tạo ảnh 3Người dân Thủ đô Hà Nội theo dõi thông tin liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai tại một sạp báo. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trước đó, trong 20 năm từ khi được vinh danh là “Thành phố vì hòa bình,” Hà Nội đã nhiều lần được tin tưởng lựa chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quốc tế: Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2006, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU-132) năm 2015, Hội nghị hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ 10 (CLV-10), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018)...

Việt Nam là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã một lần nữa khẳng định việc giành được sự tin cậy, tôn trọng từ những bạn bè truyền thống đến những đối tác phát triển hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hà Nội, trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt trung bình 7,41%/năm. Tình hình chính trị, an ninh ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch đã đưa Hà Nội thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư thế giới. Trong năm 2018, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội đạt trên 7,5 tỷ USD và vươn lên dẫn đầu cả nước.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ tiếp tục phát triển, từng bước hình thành các điều kiện xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thành phố thông minh. Từ năm 2014, Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, trung học phổ thông; 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ đúng độ tuổi…

Hiện nay, Hà Nội có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô và thành phố trên khắp thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng…

Hướng tới thành phố sáng tạo

Ngày 11/6 vừa qua, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 134/KH về việc Xây dựng hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Mạng lưới “Các Thành phố Sáng tạo UNESCO” được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Đây là cơ hội để Hà Nội trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trên toàn thế giới; thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg (ngày 8/8/2016) của Thủ tướng Chính phủ, trong đó xác định Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước.

Bài 3: Hà Nội trong hành trình trở thành điểm đến tri thức và sáng tạo ảnh 4Cầu Nhật Tân - một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Đại diện Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội hội tụ nhiều điều kiện, tiền đề thuận lợi để tham gia vào mạng lưới “Các Thành phố sáng tạo của UNESCO” nhằm định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh của Thủ đô: thế mạnh về hệ thống cơ sở đào tạo quốc gia và liên kết quốc tế (về thiết kế công nghiệp, kiến trúc, truyền thông đa phương tiện, quảng cáo, công nghệ thông tin, quản lý đổi mới sáng tạo, quản lý thương hiệu…); là nơi tập trung các cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo với nhu cầu thiết kế sáng tạo cao (như hệ thống các bảo tàng, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa nghệ thuật và trung tâm thương mại...).

Ngoài ra, Hà Nội đã và đang thúc đẩy việc triển khai hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo (Đường đua xe Công thức 1, Khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc…). Một trong những thế mạnh khác là Hà Nội có thế mạnh về nguồn lực con người, bao gồm lực lượng lao động trẻ, năng động, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo.

Trong năm 2019, ba thành phần cơ bản của thành phố thông minh được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội xác định sẽ ưu tiên triển khai bao gồm: Trung tâm Điều hành thông minh thành phố Hà Nội, Giao thông thông minh và Du lịch thông minh.

Nhiệm vụ hình thành Trung tâm Điều hành thông minh được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc xây dựng Thành phố thông minh. Liên quan đến vấn đề này, Hà Nội xác định sẽ hình thành Trung tâm Điều hành thông minh thành phố với tám trung tâm chức năng, bao gồm: Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Hỗ trợ cho cán bộ sử dụng công nghệ thông tin của thành phố; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng; Trung tâm Phân tích dữ liệu; Trung tâm Hỏi đáp ý kiến phục vụ người dân; Trung tâm Quản lý Dịch vụ công Thành phố; Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cấp cứu, phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, y tế.

Về giao thông thông minh, thời gian tới, Thủ đô sẽ triển khai Hệ thống thông tin giao thông tích hợp của Hà Nội và các hệ thống: Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; Hệ thống phần mềm giám sát an ninh công cộng; Hệ thống biển báo giao thông điện tử; Hệ thống phần mềm quản lý và điều hành vận tải công cộng, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; Hệ thống vé điện tử thông minh dùng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt…

Với Du lịch thông minh, thành phố triển khai Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng trên điện thoại di động; phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch; bản đồ số du lịch Hà Nội; hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch… Bên cạnh đó, Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai một số thành phần cơ bản của y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh…./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục