Tình trạng gian lận thương mại đang diễn ra khá phổ biến đối với hầu hết các mặt hàng trên thị trường nội địa, trong đó may mặc là khu vực “màu mỡ” cho hàng nhái, hàng giả “làm mưa, làm gió.” Điều này đang và sẽ làm giảm uy tín về môi trường kinh quốc gia trong trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đồng thời gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh đàng hoàng.
Từ bỏ sân nhà?
Nguyên tổng giám đốc một công ty may mặc xuất khẩu thuộc quy mô top đầu trong nước cho biết, khi bà đi khảo sát thị trường ở một tỉnh phía Bắc, đến một cửa hàng quần áo bán sản phẩm làm nhái thương hiệu công ty thì chủ hàng lớn tiếng với bà và khẳng định ở đây chỉ bán hàng “xịn 100%” đồng thời chỉ luôn sang cửa hàng giới thiệu sản phẩm công ty phía đối diện là nơi bán hàng “rởm.”
“Bây giờ, người ngay lại sợ kẻ gian. Mình là tổng giám đốc mà họ còn chỉ vào mình mà nói thế, thì khách hàng sao mà biết được đúng, sai. Chúng tôi đã đề xuất với cơ quan quản lý thị trường song đâu lại vào đấy, không thể xử lý xuể,” nguyên tổng giám đốc trên nói.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm 2014 đạt xấp xỉ 24,6 tỷ USD, bên cạnh đó tổng lượngtiêu thụ hàng dệt may trong nước đạt khoảng 3 tỷ USD, song so với một thị trường tiềm năng trên 90 triệu dân thì rõ ràng con số trên là khá khiêm tốn.
Để phát triển và chiếm lĩnh thị trường trong nước, các doanh nghiệp nội địa hiện phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn từ các nhà phân phối nước ngoài, thương hiệu quốc tế… song đây chỉ là phần nổi, còn lại phần chìm của “tảng băng lớn” và không đong đếm được, đó là sự cạnh tranh bất bình đẳng ngang nhiên của hàng giả, hàng nhái…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty may Hưng Yên cho biết, bán hàng cho nội địa hiệu quả kinh tế kém xa so với xuất khẩu. Bởi, nhà máy bỏ ra bao chi phí để đưa ra một sản phẩm, thì bên ngoài thị trường đã gia công ra đến chín sản phẩm.
“Thêm vào đó, chi phí phí lưu thông hiện nay rất lớn, một sản phẩm công ty có giá thành một đồng song đến tay người tiêu dùng phải ba, bốn đồng. Tận dụng khoảng trống đó, đối tượng làm hàng giả chỉ cần bán ra một đồng rưỡi là có thể ‘sống’ tốt,” ông Dương nói.
Đồng tình với quan điểm trên đồng thời bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cảnh báo, thực trạng trên đang cho thấy việc kinh doanh nội địa đang bị thiệt hại bởi các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Thêm vào đó, với các cam kết hội nhập (Cộng đồng kinh tế ASEAN-AEC, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương-TPP) các mức thuế suất sẽ về 0% và nếu doanh nghiệp trong nước không đủ sức cạnh tranh thì hàng hóa quốc tế sẽ tràn vào Việt Nam.
“Doanh nghiệp nỗ lực tăng sức cạnh tranh, cải thiện mẫu mã… song với cạnh tranh không công bằng thì đương nhiên họ sẽ thua. Bỏ ngỏ thị trường nội địa hay thua ngay trên sân nhà, nguyên nhân cũng từ đó mà ra,” bà Dung nói.
Từ thách thức đến trì trệ
Mặc dù ngành dệt may luôn được đánh giá là một trong những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam, song sự phát triển của ngành thời trang trong nước lại diễn ra chậm, thiếu đồng bộ và tự phát, không có nhiều thương hiệu thời trang được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, sự cạnh tranh không lành mạnh dù ở ngành nghề nào cũng đều làm cho sự phát triển bị trì trệ, đó là sự lạc hậu.
“Lĩnh vực dệt may Việt Nam được ghi nhận là ngành đem lại tỷ lệ GDP cao nhất, nhì trong nhiều năm qua cũng đồng nghĩa với việc ngành dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn. Chưa nói đến sự tương quan giữa dệt may và thời trang là không thể tách rời. Một yếu tố quan trọng khác rất cần phải lưu ý, sự phát triển thời trang của một đất nước cũng là một trong những nguyên tố cấu thành nền văn minh của đất nước đó.”
Trong các cam kết hội nhập từ các hiệp định AEC,TPP tới đây, các quy định về sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng. Mặc dù Việt Nam hứa hẹn trở thành một “Công xưởng mới,” song việc một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, xưởng tư nhân… vi phạm các quyền về sở hữu trí tuệ, điều này sẽ gây tổn hại không nhỏ cho ngành may mặc trong nước cũng như thương hiệu “Made in Vietnam.”
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) chỉ ra, các hãng quốc tế kiểm soát nguồn hàng rất chặt chẽ, nhằm đảm bảo uy tín của thương hiệu, do đó hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ rất dễ bị truy ra và doanh nghiệp gia công có khả năng sẽ dần bị mất hợp đồng, rõ ràng là lợi bất cập hại.
“Các nhà sản xuất Việt Nam khi được thuê gia công cho các thương hiệu quốc tế cần phải hiểu rằng nếu vi phạm các thỏa thuận về sở hữu trí tuệ là họ đang tự làm hại mình. Không chỉ vậy, hành động trên vi phạm của các nhà sản xuất trong nước sẽ làm mất đi uy tín của ngành dệt may nói riêng và mất uy tín của Việt Nam nói chung,” ông Vinh nói.
Bên cạnh đó ông Vinh cũng cảnh báo, bài học dễ nhìn thấy nhất từ quốc gia láng giềng Trung Quốc, từ công xưởng khổng lồ của thế giới thì giờ đây đang phải gánh chịu hậu quả của việc nới lỏng quản lý hàng giả, hàng nhái.
“Trên thị trường, tâm lý người tiêu dùng có xu hướng mặc định hàng hóa Trung Quốc bị đánh giá là hàng giá rẻ, kém phẩm chất và là ‘thánh địa’ của những chuyên gia làm hàng giả. Đó là nguy cơ đối với thương hiệu quốc gia và Việt Nam không được đi theo ‘vết xe đổ’ đó, ông Vinh khuyến cáo./.
Bài 4: Tại sao không thể dập tắt nạn hàng giả trong một sớm một chiều?