Sự phát triển “thần tốc” của thị trường thực phẩm chức năng khiến việc kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thêm khó khăn.
Bởi trên thực tế, cơ quan chức năng đã thu giữ và phát hiện nhiều vụ sản xuất/buôn bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng…
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương).
Hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp
- Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng nhất là đối với mặt hàng thực phẩm chức năng hiện nay có thể thấy rất phổ biến và ngày càng quy mô hơn. Xin ông cho biết những đánh giá cụ thể về các vấn đề này?
Ông Trần Hữu Linh: Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, phá hoại và ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, sức khỏe con người, vật nuôi cây trồng, cản trở năng lực sáng tạo của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu trên thị trường.
["Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng]
Đặc biệt là nạn sản xuất kinh doanh hàng giả nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu có uy tín.
Bên cạnh nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt do trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ.
Hiện nay, theo thống kê của Tổng cục Quản lý Thị trường, nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử - điện máy, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, phân bón, xe đạp điện, xe máy điện, mũ bảo hiểm…
Đặt sản xuất gia công ở nước ngoài
- Thưa ông, với nhiều sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng hiện nay, nhiều người tiêu dùng cho biết, họ cầm trên tay sản phẩm khó có thể phân biệt được hàng giả và hàng thật. Ông có thể cho biết, các doanh nghiệp sản xuất hàng giả, hàng nhái hiện nay với những thủ đoạn như thế nào?
Ông Trần Hữu Linh: Qua công tác chuyên môn, chúng tôi thấy, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng.
Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất, lắp ráp, pha chế, sang chiết ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề…
Có thể thấy, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Mặt hàng này ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Trong những năm qua, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, đây cũng là môi trường thuận lợi cho nạn hàng giả hoành hành, do đặc thù không trưng bày trực tiếp nên việc điều tra, phát hiện và xử lý vi phạm rất khó khăn.
- Ông có thể phân tích nguyên nhân vì sao khiến cho vấn nạn thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng lại “bùng nổ” trong thời gian gần đây gây nên nhiều sự lo lắng cho xã hội?
Ông Trần Hữu Linh: Thông thường, loại hàng hoá nào bán chạy, thương hiệu nào phổ biến thì dễ bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý số lượng hàng hoá vi phạm không hề nhỏ. Trong 10 tháng đầu năm 2018, chúng tôi đã xử lý vi phạm về dược phẩm-thực phẩm chức năng với gần 54.000 đơn vị sản phẩm (112 thùng).
[Bài 2: Sự phát triển “thần tốc” của thị trường thực phẩm chức năng]
Thị trường thực phẩm chức năng trong những năm qua phát triển rất nhanh. Khi thu nhập của người dân tăng lên, nhu cầu làm đẹp, sử dụng các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tăng lên thì nạn hàng giả, kém chất lượng cũng sẽ có xu hướng tăng lên.
Những sản phẩm này ngày càng trở nên phổ biến đối với nhiều người dân chứ không xa xỉ, đắt đỏ như trước đây.
Hơn nữa, hiện nay các kênh phân phối ngày càng đa dạng, thuận lợi, nhất là kinh doanh online, thậm chí người dân ở nông thôn cũng có thể đặt mua hàng ở bất kỳ đâu thông qua các phương tiện kết nối Internet như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính.
Hình thành các đường dây khép kín
- Ông có thể chỉ ra những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn trong công tác này?
Ông Trần Hữu Linh: Hiện nay, rất nhiều ngành sản xuất của Việt Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Ngày nay, thuế nhập khẩu có xu hướng giảm dần, tạo điều kiện cho nguyên liệu, hàng hoá tiêu dùng giá rẻ từ các nước trong khu vực tràn vào thị trường Việt Nam.
Như chúng ta biết, để đưa hàng giả, nguyên liệu hoặc bán thành phẩm để sản xuất hàng giả vào Việt Nam, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát như gian lận nhập khẩu, cấu kết với các đối tượng nước ngoài để đặt hàng đưa về Việt Nam, vận chuyển trái phép qua biên giới, gửi bưu kiện, hành lý xách tay…
Trong thị trường nội địa, các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đường dây khép kín, các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, đầu mối chuyên cung cấp các loại bao bì, tem, nhãn giả.
Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua. Sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ.
Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, trà trộn với các khu dân cư (nhà ở), các làng nghề, vùng nông thôn, xuất hiện ngay cả tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã, thông qua Internet (cá nhân, hộ gia đình)... nên rất khó phát hiện.
Cơ sở pháp lý còn nhiều bât cập, thiếu tính khả thi
- Vậy, trong công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn gì thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Việt Nam nằm trong khu vực kinh tế phát triển năng động là Đông Nam Á và Trung Quốc trong khi biên giới đường bộ và đường biển dài nên các cơ quan thực thi gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát ngăn chặn hàng giả nhập lậu vào Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ.
Trong khi đó, nguồn lực nhà nước còn khó khăn, hạn chế, đặc biệt là vấn đề nhân lực và kinh phí. Đồng thời, nguồn lực của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và trách nhiệm xã hội còn hạn chế.
[Bài 3 - “Vàng thau lẫn lộn”: Đến bác sỹ cũng phải ngả mũ sợ]
Hiện nay, tình trạng kinh doanh nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối hàng hóa, hơn nữa nhận thức cộng đồng còn hạn chế, thu nhập người dân còn thấp, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Kiến thức của giới trẻ về sở hữu trí tuệ chưa được phổ cập rộng rãi, chỉ mới được đưa vào chương trình đại học.
Về công tác quản lý, những chế tài, cơ sở pháp lý còn nhiều bât cập, thiếu tính khả thi, tính răn đe còn thấp… ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi, nhất là các chế tài xử lý hình sự, dân sự, hành chính về hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!.
Bài 5: Tăng cường xử lý hình sự với vi phạm về thực phẩm chức năng
(Click vào hình bên trong để tương tác).