Ngày 20/12, Viện khảo sát khảo cổ học Ấn Độ và Ủy ban Nhân dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tổ chức tổng kết, bàn giao Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên.
Phó Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Subhash P Gupta, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân chứng kiến lễ bào giao và giao nhiệm vụ cho đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện thủ tục cần thiết để thực hiện các dự án trùng tu di sản tại Quảng Nam thời gian tới do Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ.
Dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn là chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ, nhằm bảo tồn, tôn tạo 3 khu đền tháp A, H, K tại quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Dự án được thực hiện trong 6 năm bởi chuyên gia Viện khảo sát khảo cổ học Ấn Độ phối hợp cùng chuyên gia Việt Nam.
Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết, sau khi trùng tu, nhóm tháp A, H, K tại quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn không những đã khắc phục tình trạng ngã đổ, xuống cấp mà còn là địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước đến tham quan bởi tính độc đáo và huyền bí của khu đền tháp.
Trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích phát hiện 734 hiện vật các loại, trong đó có hiện vật độc đáo của nền điêu khắc Chămpa, phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm.
Đặc biệt, quá trình bóc tách lớp đất bị vùi lấp trong lòng tháp A10, chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam phát hiện đài thờ sa thạch với Linga-Yoni liền khối còn nguyên vẹn.
Đây là bộ Linga-Yoni liền khối lớn nhất của nền điêu khắc Chămpa được tìm thấy đến nay, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn Phan Hộ cho biết thêm.
Phát biểu tại lễ bàn giao dự án, Phó Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam nhấn mạnh, sau 6 năm thực hiện (2017-2022), Dự án đã hoàn thành cơ bản nội dung chính, đảm bảo nguyên tắc về bảo tồn di tích, được Chính phủ hai nước Việt Nam-Ấn Độ thông qua.
Kết quả thực hiện dự án không chỉ góp phần bảo tồn các giá trị vô giá của Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn mà còn là bằng chứng sinh động về tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác hiệu quả của Chính phủ, nhân dân 2 nước Việt Nam-Ấn Độ.
Ghi nhận thành quả đạt được trong quá trình bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh, thông qua quá trình thực hiện dự án, góp phần nâng cao năng lực về quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện xây dựng, hình thành lực lượng công nhân lành nghề về bảo tồn di tích.
[Xây dựng website thực tế ảo cho Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn]
Việc hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo tại 3 khu tháp A, H, K không chỉ khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích mà còn góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn, di sản văn hóa thế giới đặc sắc tại miền Trung Việt Nam.
Dự án bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp K, H, A ở Mỹ Sơn được khởi công từ năm 2017 theo Bản ghi nhớ ngày 28/10/2014 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về việc “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn” đem lại kết quả khả quan.
Thông qua dự án, nhóm kiến trúc K, H, A trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn bị tàn phá nặng nề do thời gian và chiến tranh được các bên triển khai thận trọng, tuân thủ nguyên tắc trùng tu khảo cổ học theo nguyên tắc giữ gìn giá trị cốt lõi của khu đền tháp, qua đó, góp phần thể hiện mối quan hệ hữu nghị đoàn kết bền chặt giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Ấn Độ-Việt Nam.
Dự án khắc phục được tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn. Đây là tiền đề tốt để cho việc xúc tiến công tác hợp tác trùng tu nhóm tháp F trong năm tới cũng như xem xét một số công trình kiến trúc thuộc khu E và A’ trong tương lai.
Kết quả dự án tạo sự mới lạ, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá di sản của du khách.
Điều đó thể hiện ở con số thống kê, năm 2022, Mỹ Sơn đón hơn 105.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 110% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Một phần thành công nhờ sự hồi sinh của các công trình kiến trúc vừa được bảo tồn, trùng tu này.
"Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp nhận kết quả dự án, đơn vị Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, Ủy ban Nhân dân huyện Duy Xuyên tập trung công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị công trình đã trùng tu của dự án, mở cửa đón khách tham quan chiêm ngưỡng giá trị đặc sắc của nghệ thuật Champa cùng thành quả đạt được từ sự hợp tác quý giá này," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân yêu cầu./.