Việt Nam là biểu tượng của thành công trong phát triển kinh tế tại Đông Nam Á, với xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đều tăng mạnh.
Trong một bài viết mới đây, báo La Nación (Dân tộc) của Argentina nhận xét Việt Nam cùng với Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đang trở thành một trung tâm công nghiệp, một "Trung Quốc mới," hấp dẫn các nhà đầu tư bởi lợi thế giá nhân công giảm và sự năng động, giống Trung Quốc những năm 90 của thế kỷ trước.
Bài báo cho rằng được lợi bởi nằm gần chuỗi cung cấp hàng điện tử của thế giới, Việt Nam đang chuyển từ sản xuất các sản phẩm đơn giản sang các sản phẩm hiện đại hơn. Nhà sản xuất chip điện tử Intel bắt đầu đi vào sản xuất tại Việt Nam năm 2010, do bị thu hút bởi mức thuế thu nhập ưu đãi 10% đối với các dự án công nghệ cao, không bằng một nửa mức thuế suất phổ thông là 22% tại quốc gia Đông Nam Á này.
Sau Intel, các tập đoàn lớn tại Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, như Bridgestone và Panasonic đã “đổ bộ” vào Việt Nam.
Trong tháng này Samsung Electronics nhận giấy chứng nhận đầu tư trị giá 3 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp điện thoại di động mới tại Việt Nam, nâng tổng giá trị các dự án đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên trên 11 tỷ USD.
Theo dự kiến của tập đoàn này, 40% số điện thoại thông minh được tập đoàn này sản xuất năm tới trên phạm vi toàn cầu sẽ được xuất xưởng tại Việt Nam.
Điện thoại và linh kiện hiện là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam./.