Nhân sự kiện Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế với lợi suất thấp và khả năng Samsung mở rộng đầu tư vào Thái Nguyên, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc The Economist (Anh) cho rằng chính nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn đã giúp Việt Nam đạt được những thành công này.
Đánh giá về việc Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm với lãi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,13%/năm và là mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đến nay, EIU cho rằng đợt phát hành này đã được lựa chọn đúng thời điểm.
Quyết định phát hành đợt trái phiếu này sẽ tạo điều kiện cho chính phủ giảm chi phí vay mượn bằng ngoại tệ, hỗ trợ củng cố kinh tế vĩ mô.
Thời điểm này cũng rất hợp lý vì khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bình thường hóa chính sách tiền tệ, lãi suất USD có thể bị đẩy lên cao.
Thành công trong lần phát hành trái phiếu lần này, theo EIU, là nhờ những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và từng bước giải quyết được các vấn đề trong ngành ngân hàng.
Ngoài ra, việc nâng hạng tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế những tháng gần đây cũng đóng vai trò quan trọng cho quyết định của chính phủ Việt Nam khi trở lại thị trường trái phiếu toàn cầu.
Tập đoàn Moody's, một trong "ba ông lớn" xếp hạng tín nhiệm, đã nâng mức tín nhiệm của Việt Nam từ mức B2 lên B1 vào tháng 7/2014.
Đầu tháng 11, hãng Fitch Ratings cũng đã nâng mức xếp hạng phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn (IDRs) của Việt Nam từ mức B+ lên BB-.
Trước thông tin về khả năng Samsung Electronics sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai tại tỉnh Thái Nguyên, EIU cho rằng Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Chi phí lao động thấp cùng với những ưu đãi thuế đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ thị trường Trung Quốc do chi phí lao động ở nước này tăng cao.
Ngoài Samsung, những tập đoàn toàn cầu khác như LG Electronics, Panasonic cũng đã có nhà máy ở Việt Nam những năm gần đây.
Đầu tư từ những tập đoàn công nghệ cao xuyên quốc gia này đang giúp Việt Nam hướng tới xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao, thoát dần những ngành công nghiệp xuất khẩu gia công giá trị thấp như dệt may.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 27,9 tỷ USD các mặt hàng như điện thoại, hàng điện tử, máy tính, tăng 6% so với cùng kỳ 2013 và tương đương với gần 1/4 tổng giá trị xuất khẩu.
Trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 17,6 tỷ USD trong cùng thời gian trên.
Theo đánh giá của EIU, với sự hiện diện ngày càng tăng của Samsung ở Việt Nam có thể sẽ kéo thêm nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác cùng các công ty trong ngành công nghiệp liên quan đầu tư vào Việt Nam.
Các công ty này không muốn để lỡ những lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam đang mang lại và kết quả là sẽ đẩy nhanh việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo công nghệ cao cho nền kinh tế Việt Nam./.