"Nền kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển"

Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo Hội nghị cấp cao Kinh tế ASEAN đều có nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển.
"Nền kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển" ảnh 1Nhiều chuyên gia quốc tế tin tưởng kinh tế Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển (Ảnh: Lê Hải-Việt Hải/Vietnam+)  

Ngày 12/11, trao đổi với phóng viên TTXVN, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo Hội nghị cấp cao Kinh tế ASEAN diễn ra tại Singapore đều có chung nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển.

Phát biểu trong cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Củng cố tiềm năng tăng trưởng dài hạn” của ASEAN, do báo Financial Times phối hợp với ngân hàng Standard Charterd Bank tổ chức, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang cho rằng triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam rất hứa hẹn khi trên đường đạt tăng trưởng lành mạnh trong năm 2014, với tốc độ 5,8%.

Ông Martin Wolf - nhà bình luận kinh tế kỳ cựu của báo Finacial Times cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn, bởi vẫn còn là một nước nghèo, vì thế có nhiều cơ hội để tăng trưởng nhanh, nếu như có chính sách tốt, nhất quán để hội nhập với kinh tế thế giới. Theo ông Wolf, Việt Nam hoàn toàn có khả năng để làm tốt.

Cùng chung nhận định, tiến sỹ Fraser Thompson thuộc Viện Toàn cầu McKinsey cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển, một trong số đó là lao động giá tương đối rẻ, để thu hút đầu tư, đặc biệt khi Việt Nam đang rất cần vốn để phát triển hạ tầng.

Nếu có thể nắm bắt được những lợi thế của xu hướng phát triển toàn cầu, của quá trình đô thị hóa, của công nghệ, Việt Nam thực sự có cơ hội tốt để đạt được mức tăng năng suất 50% được cho là cần thiết để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Nhận định nói trên của các chuyên gia được đưa ra trong bối cảnh Viện Toàn cầu McKinsey vừa ra báo cáo đặc biệt đưa ra nhiều số liệu thống kê và nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam, qua đó góp phần vào sự tăng trưởng nhanh của khu vực ASEAN, đặc biệt với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ làm tăng niềm tin rằng khu vực sẽ có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong trung hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.