Vừa ghi nhận sự phát triển sôi động và hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ từ báo điện tử song cũng không thể phủ nhận thực tế nhiều tờ báo đang ngày càng thiếu định hướng và kiểm soát với những thông tin “sốc, sex, sến,” những tít bài giật gân câu khách...
Lần đầu... “một mình”
Lần đầu đứng “một mình,” giải dành cho báo điện tử đã thu hút 120 tác phẩm tham gia (nhiều hơn giải năm 2011 với chưa đến 100 tác phẩm) có chất lượng tốt, đồng đều nhưng lại “thiếu những tác phẩm thật xuất sắc, nổi trội,” như đánh giá của Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam ông Hà Minh Huệ với phóng viên Vietnam+.
Trong khi đó, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Trưởng Ban Thư ký Tổng hợp Giải, tiến sỹ Trần Bá Dung cho rằng, việc tách riêng này có tác dụng khích lệ rất lớn và thu hút nhiều báo điện tử tham gia.
Tuy nhiên, ở giải dành cho báo điện tử vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Như nhiều tác phẩm trên mạng nhưng thực chất chỉ là phiên bản báo in, thậm chí nhiều tác phẩm có nội dung không thể hiện đúng đặc trưng của báo điện tử (không đảm bảo tính lưu trữ thông tin không giới hạn, thiếu liên kết tư liệu) cũng như hình thức thể hiện bài viết dài lê thê, trình bày theo kiểu của báo in, tít quá dài...
Theo ông Trần Bá Dung, với những tờ báo điện tử lớn như Vnexpress, Vietnamnet, Dân trí, Vietnamplus, Vnmedia, báo điện tử Chính phủ, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam... thì không cần kiểm tra vì đó là tờ báo mạng độc lập “xịn,” nên những bài viết trên đó chắc chắn là của báo điện tử sản xuất.
“Báo điện tử của địa phương thì chất lượng yếu hơn hẳn, đa số các bài báo điện tử của địa phương chỉ là phiên bản báo in,” ông Trần Bá Dung, Ủy viên Hội đồng chung khảo Giải Báo chí Quốc gia nhận định.
Loại báo “4 trong 1”
Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng những năm qua báo điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ vị thế của mình giữa các “cổ thụ” báo phát thanh, báo in, báo ảnh, truyền hình nhờ ưu thế thông tin nhanh nhạy, nóng, cập nhật liên tục...
Trả lời về xu hướng phát triển của báo điện tử, ông Trần Bá Dung cho rằng: “Chắc chắn báo điện tử sẽ phát triển rất mạnh. Vì đây là thực tế nhu cầu khách quan của công chúng.”
Báo mạng có ưu thế nổi bật với khả năng hội tụ truyền thông-xu hướng của báo chí hiện đại (hội tụ về công nghệ, hội tụ về phương thức tổ chức sản xuất, hội tụ về mặt tiếp nhận).
Xu hướng đó làm cho báo điện tử vừa là loại hình báo chí thứ tư sau báo in, báo nói, báo hình vừa là loại hình báo chí tích hợp cả ba loại hình kia. Vì thế, chỉ cần lên mạng độc giả có thể truy vấn nhiều loại hình báo chí một lúc.
Đặc biệt, khi công nghệ công tin phát triển như vũ bão kéo theo hầu như thiết bị điện tử nào cũng có khả năng lướt web, thì báo điện tử ngày càng có thêm nhiều cơ hội “phổ cập” sâu rộng tới khắp các vùng miền.
“Vậy nên, xu thế phát triển của báo điện tử là không thể cưỡng được, thậm chí như nhiều người vẫn nói báo điện tử là ‘kẻ ám sát báo in.’ Bằng chứng là báo in ngày càng giảm tia-ra phát hành, giảm nhân sự, giảm kỳ,” ông Dung bình luận.
Thống kê cho thấy, truyền thông Việt Nam hiện đang có trên 76 báo điện tử, hơn 200 trang tin điện tử tổng hợp và hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành. Trong khi đó số lượng cơ quan báo in, bao gồm cả nhật báo, tuần báo, tạp chí... chỉ là 806.
[Báo chí và cuộc “di dân” từ báo in sang báo điện tử]
Ý thức “xộc xệch” cần được chấn chỉnh
Ưu thế đã rõ, nhưng vài năm trở lại đây độc giả còn chứng kiến sự lên ngôi của những bài viết “sốc, sex, sến” trên một cơ số báo điện tử. Nhiều độc giả ngán ngẩm khi hàng ngày mở báo mạng ra tràn ngập hình ảnh khoe thân, những tít bài giật đùng đùng...
Thực tế đó không chỉ cho thấy sự xuống cấp đạo đức nghề của một bộ phận phóng viên mà còn thể hiện thái độ dễ dãi của ban biên tập, của cấp quản lý.
Vậy làm sao để nâng cao chất lượng báo điện tử cũng như chấn chỉnh sự “xộc xệch” ý thức của những người làm báo trong bối cảnh hiện nay?
Bàn về vấn đề này, ông Trần Bá Dung cho rằng, trước hết, muốn nâng cao chất lượng báo điện tử, phải nâng cao trình độ quản lý của các Tổng biên tập, các Trưởng Ban biên tập điện tử. Báo điện tử là một loại hình báo chí mới, có nguyên tắc hoạt động riêng, tiêu chuẩn nghề nghiệp riêng, chứ không phải “copy” của báo in.
Do vậy, Tổng biên tập phải được bồi dưỡng, cập nhật bài bản về nghiệp vụ làm báo điện tử, phương thức quản lý tòa soạn điện tử, phương thức kinh doanh báo điện tử, tòa soạn đa phương tiện, kiến thức về công nghệ thông tin... Không khuyến khích kiểu làm báo giật gân, câu khách...
Theo vị đại diện Hội nhà báo này, đối với phóng viên báo điện tử cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ làm báo điện tử, kỹ năng khai thác, xử lý thông tin và làm việc trong môi trường internet. Đặc biệt, kỹ năm làm báo đa phương tiện, kỹ năng viết ngắn, xử lý nhanh nhưng phải chính xác, trung thực, khách quan.
Bên cạnh đó, cũng cần rốt ráo chấn chỉnh tình trạng, do áp lực thời gian, nhiều phóng viên báo điện tử làm ẩu, thiếu kiểm định nguồn tin, thiếu cả tính nhân văn trong đưa tin, nhất là khi viết về đời tư nhân vật...
“Đối với cơ quan quản lý, cần mạnh tay với những báo điện tử, trang tin có nhiều sai phạm, chạy theo xu hướng giật gân, câu khách, “lá cải hóa” mà lâu nay chỉ nặng về nhắc nhở...,” ông Trần Bá Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, không chỉ bản thân phóng viên hay cơ quan quản lý cần chấn chỉnh mà bạn đọc cũng nên có thái độ dứt khoát tẩy chay những trang báo điện tử “lá cải.” Đây chính là “phương thuốc” nâng cao chất lượng và giúp loại hình báo chí mới này đi đúng quỹ đạo./.