Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư nhất tại ASEAN trong những năm tới và nhận định này dựa trên căn cứ thực tế và xác đáng như việc tăng cường đa dạng hóa kinh tế, hội nhập quốc tế, cải cách pháp luật đầu tư và chính sách kinh tế hiệu quả.
Đánh giá này được đưa ra trong bài viết đăng tải trên trang mondaq.com (Mỹ) mới đây.
Tác giả bài viết đã đưa đánh giá trên dựa trên nhiều tiêu chí. Thứ nhất về phục hồi kinh tế và phát triển ổn định, tác giả dẫn nghiên cứu “Thế giới năm 2050” của hãng tư vấn PwC cho biết Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm cao thứ hai trên toàn thế giới.
Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 5,3% mỗi năm, từ năm 2014-2050. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2050. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã kiểm soát tốt lạm phát ở mức 3-5%, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát tối đa cho phép là 4,5% trong năm 2023.
Hai chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng này là minh chứng cho mức độ thành công nhất định của Chính phủ Việt Nam trong việc phục hồi và duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Thứ hai là sự hiệu quả của chính sách kinh tế. Theo tác giả bài viết, song song với việc ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nỗ lực đạt được các chỉ số kinh tế quan trọng như các nước dẫn đầu khu vực.
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích FDI vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, mới nổi, công nghệ cao, sạch, phương pháp quản lý hiện đại và đóng góp tích cực vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thứ ba là hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có 16 FTA với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục.
Xét về mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam ngang hàng với Singapore - quốc gia phát triển nhất khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam cũng ký kết thành công FTA với Liên minh châu Âu (EU) và cũng tham gia Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tác giả cho rằng từ góc độ thương mại và đầu tư quốc tế, Việt Nam không có đối thủ về quan hệ đối tác và mức độ cởi mở trong tiếp cận thị trường.
Thứ tư là Luật đầu tư. Bài viết chỉ rõ các luật mới được xem là cởi mở và thân thiện với nhà đầu tư nhất trong khu vực như Luật Doanh nghiệp mới, Luật Đầu tư và Luật Hợp tác công tư, đã được thông qua. Các rào cản trong kinh doanh, đầu tư được dỡ bỏ, mở đường cho môi trường thông thoáng, minh bạch và đầy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm là việc nới lỏng quy định sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết. Nhằm giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã cho phép nới lỏng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết, lên tới 100% trong một số trường hợp; cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu của chính quyền cấp tỉnh hoặc doanh nghiệp.
Tác giả bài viết nhận định Việt Nam là quốc gia năng động cải cách và hiện đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sức mạnh nội tại của nền kinh tế được thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô được kiểm soát, năng suất tăng mạnh và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Đây chính là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu kế hoạch kinh doanh và nắm bắt những cơ hội sắp tới./.
Việt Nam trở thành một phần năng động và không thể thiếu của kinh tế toàn cầu
VanEck đã phân tích quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ “thị trường cận biên” sang “thị trường mới nổi” và chỉ ra những bước cải cách đã giúp Việt Nam tăng trưởng vượt bậc.