Báo Nhân Dân chính thức ra mắt chuyên trang về các sản phẩm OCOP

Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân được thiết kế theo hướng hiện đại, dễ sử dụng, tiện tra cứu, tập hợp thông tin dữ liệu đa dạng, chính thống về Chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP các địa phương.

Báo Nhân Dân ra mắt chuyên trang về sản phẩm OCOP. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Báo Nhân Dân ra mắt chuyên trang về sản phẩm OCOP. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Ngày 19/12, tại trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội, Báo Nhân Dân chính thức ra mắt Chuyên trang “Mỗi xã một sản phẩm” (Chuyên trang OCOP) tại địa chỉ https://nhandan.vn/ocop/.

Chuyên trang OCOP là kết quả của việc tiếp tục hiện thực hóa Chiến lược Chuyển đổi Số của Báo Nhân Dân, kết hợp thông tin, dữ liệu với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm góp phần lan tỏa những giá trị về chất lượng, văn hóa của sản phẩm OCOP Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động truyền thông chính sách, đi vào chiều sâu, đáp ứng tốt hơn trước các yêu cầu mới của Chương trình OCOP.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho biết Chương trình OCOP đã trở thành chính sách trọng tâm, có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp cả nước.

Chương trình đã giúp nhiều địa phương khai thác được lợi thế gắn với đơn vị làng, xã để phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật, dịch vụ du lịch ở mỗi miền quê Việt Nam, góp phần quảng bá giá trị văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các địa phương. Những kết quả, dấu ấn của Chương trình OCOP sau gần 3 năm triển khai cũng là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.

img-3697-5201.jpg
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi Lễ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin thêm, theo ông Lê Quốc Minh, mục tiêu tổng quát của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân được thiết kế theo hướng thân thiện, hiện đại, dễ sử dụng, tiện tra cứu. Chuyên trang tập hợp thông tin dữ liệu đa dạng, chính thống về Chương trình OCOP và các sản phẩm OCOP của các địa phương.

"Chúng tôi mong muốn Chuyên trang trở thành nơi giới thiệu các cách làm hay, mô hình OCOP hiệu quả, một diễn đàn phản biện chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể, gợi mở tiềm năng cho các địa phương hợp tác và phát triển các sản phẩm OCOP…, góp phần quảng bá, lan tỏa ý nghĩa của Chương trình OCOP đến cộng đồng, giúp bạn đọc có một góc nhìn mới mẻ về chương trình đầy ý nghĩa này," Tổng Biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tới thời điểm hiện tại, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về cơ bản đã thiết lập được hệ thống các điểm bán hàng OCOP trên địa bàn. Đến nay 100% kênh phân phối hiện đại như: siêu thị, trung tâm mại, cửa hàng tiện lợi, sân bay, điểm dừng chân, khu du lịch… đều đã có sự hiện diện của sản phẩm OCOP.

screen-shot-2023-12-19-at-152141-8530.png
Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân tại địa chỉ https://nhandan.vn/ocop/. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho hay với sức mạnh của Truyền thông Số và Kinh tế Số, các cơ quan truyền thông báo chí, cộng đồng mạng xã hội và kênh Thương mại Điện tử, mua sắm qua truyền hình đã vào cuộc để hàng ngày tin tức về sản phẩm OCOP được lan rộng toàn quốc và lan xa tới các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, các cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước như: Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam... đều ưu tiên truyền thông quảng bá hàng Việt Nam có chất lượng đặc biệt là hàng Công nghiệp Nông thôn tiêu biểu, hàng OCOP…

Thông qua các báo đài kể "Câu chuyện sản phẩm" đã giúp người tiêu dùng trong nước hiểu thêm rằng sản phẩm OCOP chính là các báu vật của từng làng quê, dù có thể có quy mô sản xuất không lớn, nhưng độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, tính dân tộc, tính vùng miền, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra.

“Trong thời gian tới, đề nghị Báo Nhân Dân phối hợp chặt chẽ và tiếp tục đồng hành với Bộ Công Thương trong công tác truyền thông, quảng bá cho hàng Việt Nam nói chung và hàng OCOP nói riêng, trong đó không ngừng cập nhập và mở rộng, phát triển để Chuyên trang này trở thành địa chỉ tin cậy cho cộng đồng nhà sản xuất kinh doanh hàng OCOP, đồng thời, chuyên trang sẽ trở thành cẩm nang chỉ dẫn, tư vấn mua sắm cho người tiêu dùng, doanh nghiệp có nhu cầu trong và ngoài nước, đặc biệt với nhóm OCOP thuộc sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, hàng quà tặng, hàng trang trí nội thất, hàng chăm sóc sức khoẻ,” bà Lê Việt Nga nói./.

Chuyên trang OCOP của Báo Nhân Dân có 5 tiểu mục:

- Tin tức: Các nội dung thời sự.

- Sản phẩm: Giới thiệu về các sản phẩm OCOP trên các vùng, miền của cả nước. Đây là mục tập hợp dữ liệu của hàng chục ngàn sản phẩm được cập nhật liên tục, đồng thời kết nối các ứng dụng công nghệ với mục tiêu quảng bá, thương mại, tạo kết nối trực tiếp giữa bạn đọc và các chủ thể sản xuất, ngoài ý nghĩa tra cứu, còn hướng tới mục tiêu thúc đẩy phát triển thương mại.

- Câu chuyện phát triển: Ghi nhận những câu chuyện của chủ thể sản xuất, tiềm năng, phát triển, xây dựng thương hiệu, là diễn đàn trao đổi, định hướng của chuyên gia và cũng là nơi các chủ thể sản xuất chia sẻ kinh nghiệm, các khó khăn, thách thức, mô hình sản xuất chuỗi giá trị.

- Hỏi/Đáp: Giải đáp những câu hỏi của bạn đọc, chủ thể sản xuất, người tiêu cùng về những thông tin liên quan sản phẩm cũng như các nội dung trọng tâm.,các chính sách của Chương trình OCOP.

- Multimedia: Các bài E-Magazine, Infographic, video, phóng sự ảnh…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.