Bão số 3: Chủ động đảm bảo cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống cơn bão số 3 (bão YAGI) tại hai huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ của thành phố Hà Nội.

Đoàn kiểm tra làm việc, kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức. (Ảnh: TTXVN phát)
Đoàn kiểm tra làm việc, kiểm tra tại Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 7/9, Đoàn kiểm tra giám sát công tác đáp ứng y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn số 1 của Sở Y tế Hà Nội do Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống cơn bão số 3 (bão YAGI) tại hai huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ (Hà Nội).

Đây là 1 trong 3 đoàn kiểm tra giám sát của Sở Y tế Hà Nội, được thành lập để chủ động công tác ứng phó với cơn bão số 3.

Xây dựng các phương án triển khai ứng phó với cơn bão số 3, Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức đã phân công lịch trực theo 3 cấp để chỉ đạo, đáp ứng công tác khám chữa bệnh, thường trực 24/24 giờ, kịp thời cấp cứu người bệnh tại bệnh viện và sẵn sàng cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu, chuẩn bị phương án khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú chạy thận nhân tạo.

Ngoài ra, bệnh viện cũng đã kiểm tra, gia cố cửa sổ, cửa kính, mái tôn, khu vực nguy cơ mất an toàn cho người bệnh và cán bộ nhân viên, cắt tỉa cây xanh.

Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Năm, Trung tâm Y tế đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác ứng phó với cơn bão số 3; tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện xây dựng phương án phòng, chống lụt bão.

Các trạm y tế, phòng khám đa khoa trên địa bàn huyện đã theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3, chủ động ứng phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; triển khai các biện pháp phòng, chống gió lốc, ngập úng tại các trạm y tế khu vực trũng thấp.

Đồng thời, Trung tâm Y tế sẵn sàng nhân lực, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc cấp cứu, đảm bảo trực cấp cứu 24/24 giờ tại trạm y tế và phòng khám đa khoa, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu cho nạn nhân tại cơ sở và cấp cứu ngoại viện...

bao so Benh vien da khoa chuong My.jpg
Đoàn đi kiểm tra cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị phương án cấp cứu người bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại huyện Chương Mỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ Dương Mạnh Hùng cho biết Trung tâm đã phân công các kíp trực, 4 đội trực cấp cứu cơ động thường trực tại trung tâm 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư hóa chất, phương tiện cấp cứu đáp ứng khi có tình huống xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức tuyên truyền cho người dân, cán bộ y tế các biện pháp ứng phó với cơn bão số 3, không được chủ quan, lơ là; phối hợp với Bệnh viện đa khoa huyện sẵn sàng cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân khi có yêu cầu.

Còn tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ hiện có 250 bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú, bệnh viện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo công tác khám chữa bệnh, bố trí kíp trực cấp cứu thường trực 24/24 giờ. Ngoài ra, bệnh viện đã thực hiện rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, cửa kính, cửa sổ, cửa chớp, phòng trên tầng cao được gia cố chắc chắn, bố trí giường dự phòng sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.

Qua kiểm tra tại hai địa bàn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được chủ quan lơ là, cần chủ động xây dựng các phương án, điều kiện tốt nhất đảm bảo công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men để cấp cứu người bệnh; đảm bảo vật tư hóa chất khử khuẩn, phòng chống dịch và vệ sinh môi trường tại các điểm ngập úng khi nước rút.

Các đơn vị cần đảm bảo thông tin liên lạc giữa các đơn vị và giữa ngành Y tế với người dân luôn thông suốt, kịp thời báo cáo Sở Y tế những tình huống phát sinh để kịp thời xử lý.

Ông Nguyễn Đình Hưng lưu ý các đơn vị cần có phương án bố trí địa điểm tạm thời cho các trạm y tế tại vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng. Kho vật tư hóa chất tại các Trung tâm Y tế cần bảo quản cẩn thận, khu vực khô ráo, có giá kệ, đảm bảo đầy đủ quy trình vận hành phân loại theo quy định.

bao so 3 benh vien chuong my1.jpg
Đoàn kiểm tra cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị phương án cấp cứu người bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn Khẩn số 278/SYT-NVY về việc triển khai công tác phòng chống lụt bão cơn bão số 3, yêu cầu Giám đốc các đơn vị khẩn trương triển khai theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa, bão; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư và trang thiết bị.

Sở Y tế Hải Dương cho biết để chủ động phòng, chống siêu bão số 3, kịp thời xử lý những tình huống do bão, mưa lũ gây ra, Sở đã có công văn yêu cầu các đơn vị trong ngành triển khai phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, chủ động sơ tán cơ sở y tế vùng trũng, thấp có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, sạt lở.

Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai phương án bảo vệ Trạm y tế xã, phường, thị trấn tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ. Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, ổn định cơ sở khám chữa bệnh.

Sở Y tế Hải Dương yêu cầu các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra. Không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị; đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư; xử lý các vấn đề về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm do bão, mưa lũ gây ra. Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa bão để chủ động công tác phòng, chống bão lũ đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của đơn vị.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hải Dương dự báo từ trưa 7/9, khu vực tỉnh Hải Dương có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 11-12. Thời điểm gió mạnh nhất từ trưa đến chiều tối 7/9. Từ sáng 7-9/9, trên địa bàn tỉnh có nơi mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 180-300mm, có nơi trên 300mm.

Tại Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang, trong sáng 7/9 ghi nhận có 7 bệnh nhân nhập viện đều là các ca nhẹ bị các tai nạn thương tích trong sinh hoạt ở gia đình. Trung tâm đảm bảo trực 24/24, điều phối nhân lực để đảm bảo công tác khám chữa bệnh và cứu trợ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế. Ca trực được phân chia hợp lý, đảm bảo đầy đủ y bác sỹ, điều dưỡng trong các tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, phát huy tinh thần chia sẻ, tương trợ lẫn nhau, Ban Chỉ đạo đã đồng ý cho các y bác sỹ nam đổi trực cho các nữ y bác sỹ trong ngày bão.

Bác sỹ Trịnh Đình Toán, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang, cho biết Ban chỉ đạo phòng, chống bão lụt của Trung tâm Y tế huyện đã thành lập gồm Ban Giám đốc và Trưởng các khoa, phòng, tiến hành họp khẩn lên kế hoạch ứng phó với bão. Khoa cấp cứu chuẩn bị sẵn sàng đón nhận và xử lý các ca bệnh do bão lụt gây ra. Khoa dược kiểm tra, dự trữ thuốc, vật tư y tế cần thiết. Bảo quản thuốc và vật tư nơi cao ráo, tránh ngập úng. Phòng hành chính bảo đảm an toàn cơ sở vật chất, điện nước, thông tin liên lạc. Máy phát điện dự phòng, thiết bị chiếu sáng, bình oxy dự trữ, xe cứu thương sẵn sàng hoạt động.

Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân, người nhà và kíp trực trong suốt thời gian bão lụt để đảm bảo sức khỏe trong điều kiện khẩn cấp. Đối với bệnh nhân và người nhà, xây dựng thực đơn đa dạng, phù hợp với sức khỏe bệnh nhân. Số lượng suất ăn tính toán theo danh sách bệnh nhân nội trú và người nhà. Các suất ăn được phân phối trực tiếp từng khoa, phòng hoặc khu vực bệnh nhân để hạn chế di chuyển trong thời gian bão lụt.

Đối với kíp trực, số lượng suất ăn căn cứ theo danh sách trực đã được phân công. Suất ăn được phục vụ tại căng tin hoặc đến khu vực làm việc của kíp trực, bảo đảm không để gián đoạn công việc.

Trung tâm cũng lên phương án sau bão, lập kế hoạch khắc phục hậu quả, khẩn trương khôi phục lại các dịch vụ y tế thiết yếu bị gián đoạn; hỗ trợ các lực lượng cứu hộ trong cấp cứu và chăm sóc sức khỏe người dân vùng ảnh hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các bệnh nhi thích thú vui chơi tại “Không gian cho em 2”. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Mở rộng "cánh cửa" hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Sự phát triển của y tế hiện đại và sự hỗ trợ của xã hội đã mở ra nhiều hy vọng hơn cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế, theo đó, tỷ lệ mắc bệnh được cứu sống tăng mạnh trong 20 năm qua.