Bảo tàng Lịch sử Huế di dời hiện vật chiến tranh trưng bày ngoài trời

Đây là một phần trong kế hoạch di dời toàn bộ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế từ địa điểm hiện tại là Di tích Quốc Tử Giám về địa điểm mới ở 268 Điện Biên Phủ, thành phố Huế.
Tháo dỡ máy bay A-37 của đế quốc Mỹ. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngày 5/5, ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế cho biết đơn vị đang phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành tháo dỡ các hiện vật chiến tranh trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng để di dời về địa điểm mới trước ngày 19/5 tới.

Đây là một phần trong kế hoạch di dời toàn bộ Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế từ địa điểm hiện tại là Di tích Quốc Tử Giám (một công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di tích cấp quốc gia đặc biệt) về địa điểm mới ở 268 Điện Biên Phủ, thành phố Huế.

Tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế, ngoài hiện vật trong nhà còn có các hiện vật trưng bày ngoài trời gồm: 6 chiếc xe tăng, 6 khẩu pháo tự hành, 4 máy bay và một số khẩu thần công được chế tác thời nhà Nguyễn. Tất cả số hiện vật gốc này đều không có mái che, phơi mình dưới nắng mưa theo thời gian nên hầu hết đều bị rỉ sét trầm trọng, một số hiện vật đã bị mất các bộ phận.

Tại hiện trường, lực lượng vũ trang thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang tiến hành tháo dỡ các bộ phận để thuận lợi cho quá trình di chuyển.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đức Lộc cho biết giai đoạn 1, Bảo tàng phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tháo những bộ phận cồng kềnh của các hiện vật để di chuyển đến địa điểm mới. Khó khăn lớn nhất trong quá trình tháo dỡ là các hiện vật có thể khối lớn, nhiều hiện vật đã xuống cấp.

[Thủ tướng quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia]

Song, trong quá trình thực hiện, đơn vị nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với nhiều đơn vị có kỹ thuật, chuyên môn cao về tháo lắp các hiện vật xe tăng, máy bay, các hiện vật có thể khối lớn.

Đồng thời, các đơn vị đã tiến hành khảo sát rất kỹ lưỡng để có phương án tháo dỡ chi tiết, cẩn trọng cùng với các phương tiện kỹ thuật hiện đại hỗ trợ, đảm bảo được sau khi về nơi mới hiện vật vẫn giữ nguyên trạng ban đầu.

Về việc di chuyển, các hiện vật có kích thước và trọng lượng lớn nên sau khi tháo rời sẽ được di chuyển vào ban đêm, sau 22 giờ để đảm bảo an toàn, tránh ảnh hưởng việc đi lại của người dân.

Hiện nay, Bảo tàng đang xây dựng kế hoạch giai đoạn 2 liên quan đến công tác đánh bóng các bộ phận rỉ rét, phun sơn đặc dụng, xây dựng một số cơ sở thiết yếu để trưng bày hiện vật, phương án bảo quản và đưa vào trưng bày để trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế được thành lập năm 1976, đặt trụ sở tại Di tích Quốc Tử Giám, đang lưu giữ trên 30.000 tư liệu, hiện vật và nhiều bộ sưu tập có giá trị.

Việc di dời bảo tàng về địa điểm mới là vấn đề cần thiết, nhằm hình thành thiết chế văn hóa phù hợp, thuận lợi cho nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của người dân, tạo thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; đồng thời đây cũng là bước quan trọng tiến tới bàn giao toàn bộ Di tích Quốc Tử Giám cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục