Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh họa sỹ Linh Chi (tên thật Nguyễn Tài Lương, 1921-2016), con gái của ông cùng nhiều nhà sưu tầm sẽ đem trưng bày 100 bức tranh có giá trị, trong đó có nhiều tác phẩm chưa từng xuất hiện trước công chúng. Triển lãm bắt đầu từ ngày 1/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Họa sỹ Linh Chi thuộc lứa họa sỹ thứ hai trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp. Các tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong cách hội họa Hà Nội mới - có sự giao thoa của hội họa Đông-Tây và Nhật Bản - của bộ tứ Trần Bình Lộc, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Nguyễn Phan Chánh.
Đam mê hội họa nhưng do thời thế chiến tranh phân cách, quân Nhật tràn vào khu vực Đông Dương khiến các ngôi trường của Pháp phải đóng cửa, Linh Chi không thể theo học trường mỹ thuật mơ ước. Nhưng không vì thế mà ông không để lại nhiều thành tựu ấn tượng.
Họa sỹ bắt đầu đi vẽ điền giã các vùng quê, miền núi khu vực Hòa Bình, Lạng Sơn, Tuyên Quang… Năm 1944, khi họa sỹ 23 tuổi, ông có triển lãm đầu tay với 43 tác phẩm tranh sơn dầu và bột màu tại Nhà Thông tin Tràng Tiền, tiếp sau đó là các năm 1971, 1972, 1988 tại nhiều phòng tranh lớn ở Hà Nội.
Năm 1951, tranh của Linh Chi được bày tại Hội nghị thi đua của Trung ương và Đoàn Thanh niên cứu quốc đã nhận được lời khen từ một vị khách quý người Pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn tới. Nhờ thế mà họa sỹ được tham gia “Khóa hội họa kháng chiến” cùng với Ngô Mạnh Lân, Trần Đông Lương…, trở thành học trò của các thày, các họa sỹ Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Trang Chước…
Tranh của Linh Chi được nhận xét là có sự thống nhất về cảm xúc, các đối tượng trong tranh luôn trong trẻo, lạc quan với đầy sức sống. Ở mảng tranh sinh hoạt miền núi với các dân tộc Thái, Mường, Dao... giới chuyên môn đánh giá tranh của ông “đã đưa vào nghệ thuật sự tươi mát và tự nhiên,” đặc biệt tranh phong cảnh "có cảnh trí nên thơ, gợi cảm trong sự hòa hợp của màu sắc và hình khối."
Hiện nay, tranh của Linh Chi đã được treo trong các bảo tàng tại Moscow (Nga), Ba Lan, nhiều nhà sưu tầm, người chơi chơi tranh trong và ngoài nước tại Pháp, Italy, Thụy Điển, Hungary… đều sở hữu một hoặc nhiều các tác phẩm của ông./.