Theo đánh giá của ban tổ chức Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016, sự tham dự của đông đảo thí sinh từ 7-29 tuổi với “các tiết mục thể hiện được đúng những yêu cầu khắt khe của ca trù” đã cho thấy sự trở lại của loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại, đặc biệt là trong giới trẻ.
Điều này góp phần quan trọng vào việc đưa ca trù ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.
Phóng viên báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trưởng ban tổ chức liên hoan về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả của Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016, thưa ông?
Ông Trương Minh Tiến: Đây là một kỳ liên hoan thành công, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của ca trù, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ, thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở. Đây chính là vấn đề mấu chốt để đưa ca trù ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Cụ thể, có 35 thí sinh dự thi đào nương và kép đàn tài năng đến từ 10 câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Thủ đô; trong đó, có 22 thí sinh trong độ tuổi từ 6-15 tuổi (chiếm 62,85%).
Các thí sinh đã tự tin thể hiện được nhiều thể cách khó của ca trù (như thét nhạc, hát múa bỏ bộ…). Đặc biệt, các tiết mục múa hát tập thể của các câu lạc bộ cho thấy, chúng ta đã khôi phục được một bộ phận hữu cơ của nghệ thuật ca trù - đó là múa.
Bên cạnh việc thể hiện các tiết mục đã đăng ký trước, ban tổ chức đã yêu cầu các thí sinh bốc thăm, hát thêm những thể cách khác của ca trù. Nhìn chung, các thí sinh đã thể hiện khá tốt.
- Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ có những biện pháp cụ thể nào để hỗ trợ, bồi dưỡng những tài năng ca trù trẻ này, thưa ông?
Ông Trương Minh Tiến: Từ trước tới nay, việc truyền dạy, thực hành ca trù chưa được thực hiện đều đặn, định kỳ. Sau liên hoan này, ngành văn hóa sẽ kiến nghị lãnh đạo thành phố tiếp tục có những biện pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng các nghệ nhân và tài năng ca trù trẻ.
Đó sẽ là những hỗ trợ về kinh phí, địa điểm tập luyện thường xuyên. Chúng ta không thể tiếp tục kêu gọi suông về tấm lòng nghệ nhân mà nhà nước phải có những hỗ trợ cụ thể đối với những “báu vật nhân văn sống” ấy trong việc khôi phục các làn điệu, thể cách của ca trù và truyền dạy thế hệ trẻ.
- Đến thời điểm hiện tại, công chúng có thể hình dung như thế nào về “bức tranh ca trù" của Hà Nội, thưa ông?
Ông Trương Minh Tiến: Năm 2009, ca trù được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào “Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.”
Điều đó đã khẳng định những giá trị độc đáo của ca trù nhưng cũng báo động về sự mai một của loại hình nghệ thuật độc đáo này. Hà Nội là một trong những địa phương có di sản ca trù độc đáo.
Từ năm 2009 đến nay, số lượng câu lạc bộ ca trù của Hà Nội đã tăng từ 9 câu lạc bộ lên 14 câu lạc bộ. Số lượng thành viên của mỗi câu lạc bộ cũng liên tục tăng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 29 nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú - danh hiệu nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (trước đây là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) đã tổ chức nhiều kỳ liên hoan (Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng - năm 2000, Liên hoan Ca trù Hà Nội - năm 2012…) nhằm kiểm kê di sản ca trù của Thủ đô, tôn vinh các nghệ nhân và tìm kiếm, bồi dưỡng những tài năng trẻ.
Tuy nhiên, ngoài một vài địa điểm biểu diễn ở khu vực phố cổ, hoạt động truyền dạy, trình diễn ca trù chưa được thực hiện thường kỳ, đều đặn (đặc biệt là ở các cơ sở)…
- Vậy, để khắc phục những điều đó, trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ có những biện pháp cụ thể nào, thưa ông?
Ông Trương Minh Tiến: Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai đề án tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Sau khi đề án này được thông qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ triển khai xây dựng 10 đề án nhỏ cho 10 loại hình di sản đang ở tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trong đó có ca trù.
Theo đó, bên cạnh việc duy trì các địa điểm biểu diễn ca trù hiện nay ở phố cổ, chúng tôi sẽ kiến nghị với lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cho việc trình diễn ca trù được tổ chức thường xuyên, định kỳ tại khu vực phố đi bộ nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá di sản văn hóa của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đề xuất việc đưa ca trù vào biểu diễn tại các lễ hội đầu Xuân; đưa hoạt động truyền dạy ca trù vào các trường phổ thông để thế hệ trẻ hiểu và thực hành ca trù nhiều hơn; hỗ trợ kinh phí cho việc truyền dạy ca trù tại các câu lạc bộ…
Trong thời gian tới, việc tiếp tục tham mưu cho các cấp lãnh đạo trong việc xây dựng khung chế độ cho các nghệ nhân được ngành văn hóa Thủ đô xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể không thể tách rời việc bảo vệ, tôn vinh và động viên các nghệ nhân - những chủ thể sáng tạo và lưu giữ di sản.
- Trân trọng cảm ơn ông!./.
Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội 2016 diễn ra từ ngày 11-13/11 tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (số 58 phố Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội).
Kết thúc liên hoan, ban tổ chức đã trao hai giải Tài năng Xuất sắc cho thí sinh Nguyễn Thị Thảo (Giáo phường Ca trù Thái Hà) và thí sinh Đinh Thị Vân (Giáo phường Ca trù Lỗ Khê).
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng đã trao bốn giải A (cá nhân), một giải A (tập thể) và nhiều giải khác cho các thí sinh tham dự liên hoan.