Ngày 30/8 tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, đại diện đồng bào dân tộc Sán Chay thuộc ba tỉnh gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang và Yên Bái đã tham gia chương trình tọa đàm với chủ đề "Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống đương đại."
Tọa đàm do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Hội di sản văn hóa Việt Nam tổ chức.
Dân tộc Sán Chay thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái có dân số hơn 200.000 người, cư trú tại 58 tỉnh, thành phố trong cả nước, chủ yếu tập trung đông ở các tỉnh vùng Đông Bắc. Người Sán Chay còn có tên gọi khác là Hờn Bán, Chùng, Trại…
Tiến sỹ Tô Động, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết hiện người Sán Chay vẫn bảo lưu một số giá trị văn hóa vật chất, tinh thần được thể hiện qua trang phục, ẩm thực, sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội, ngôn ngữ, văn hóa nghệ thuật dân gian…
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta nói chung và văn hóa của tộc người Sán Chay nói riêng đang đứng trước những biến đổi, đặt ra nhiều thách thức trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Đó là sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Nhiều giá trị văn hóa từng được xem là đặc trưng, bản sắc độc đáo có nguy cơ bị mai một như các lễ hội dân gian, phong tục tập quán truyền thống dần ít được thực hiện, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ bị suy giảm, nhiều nhạc cụ dân tộc không còn được nhiều người am hiểu yêu thích…
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của tộc người Sán Chay ở Việt Nam nói chung và đại diện đồng bào Sán Chay các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái nói riêng chính là mục đích mà buổi tọa đàm hướng tới.
Ban tổ chức đã nhận được gần 20 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, đại diện các địa phương nơi cộng đồng Sán Chay cư trú…
Trong đó, tập trung vào một số nội dung như khẳng định giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống tộc người; Đánh giá thực trạng việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống tộc người thông qua phong tục, tập quán, đời sống, sinh hoạt, nghi lễ, hoạt động của các Câu lạc bộ Sán Chay; Định hướng, giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay trong đời sống hiện nay…
Thạc sỹ Trần Vân Ái, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam chia sẻ, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay, cần tích cực quan tâm, hỗ trợ nghệ nhân những người đang nắm giữ tri thức, kinh nghiệm liên quan đến di sản văn hóa của tộc người và động viên khuyến khích họ trao truyền những tri thức, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, có thể mở các lớp truyền dạy, tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn mỗi tỉnh. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền về bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Sán Chay bằng các hình thức phù hợp như trên phương tiện thông tin, mạng xã hội, thông qua các hoạt động trong từng đơn vị (trường học, đoàn thể thanh niên, mặt trận, công đoàn, phụ nữ…)
Thậm chí, có thể đưa di sản văn hóa Sán Chay vào nhà trường với chương trình giáo dục địa phương cho các em học sinh ở bậc học tiểu học và trung học cơ sở, các trường Dân tộc nội trú để các em có điều kiện tìm hiểu, trải nghiệm…
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Sán Chay.
Việc gìn giữ, trao truyền và phát huy di sản văn hóa dân tộc Sán Chay sẽ góp phần làm gia tăng giá trị và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Tháng khám phá, trải nghiệm phong tục và văn hóa các dân tộc thiểu số
Đến Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, du khách sẽ được giới thiệu, trải nghiệm không gian giới thiệu văn hóa truyền thống của từng dân tộc như kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, ẩm thực.