Nhắc đến Điện Biên là nhắc đến một trong những chiến trường ác liệt gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.” Lịch sử đấu tranh giành độc lập trên mảnh đất Điện Biên là những trang sử hào hùng, chiến công hiển hách của thế hệ đi trước và là niềm tự hào của nhân dân cả nước. 64 năm qua, giá trị của Khu di tích chiến dịch Điện Biên Phủ đã được khẳng định.
Liên quan đến công tác Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Tuyết Nga - Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ về vấn đề này.
- Bà cho biết thêm vai trò, ý nghĩa của Khu di tích chiến dịch Điện Biên Phủ?
Bà Vũ Thị Tuyết Nga: Khu di tích chiến dịch Điện Biên Phủ là bằng chứng lịch sử về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thể hiện ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một lực lượng quân sự có đủ cả phương tiện chiến tranh hiện đại.
[Lượng khách đến khu di tích chiến trường Điện Biên tăng đột biến]
Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt với nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về ý nghĩa của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến lược quy mô lớn, tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương hồi bấy giờ của đội quân viễn chinh xâm lược Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức.
Thắng lợi rực rỡ của trận quyết chiến lược ấy đã có ý nghĩa quyết định đối với toàn cục diện quân sự và chính trị trên chiến trường Đông Dương, đến thành công của Hội nghị Geneva, đưa cuộc kháng chiến lâu dài anh dũng của quân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi vĩ đại" và "Điện Biên Phủ vĩnh viễn được các dân tộc trên thế giới ghi nhớ như một trong những trang sử huy hoàng nhất của phong trào giải phóng dân tộc của hàng nghìn triệu người trên trái đất."
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1272/QĐ-TTg, ngày 12/8/2009).
- Trong những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích chiến dịch Điện Biên Phủ được địa phương thực hiện như thế nào?
Bà Vũ Thị Tuyết Nga: 64 năm trôi qua, khu vực diễn ra trận Điện Biên Phủ đã có nhiều thay đổi, nhưng những di tích liên quan đến sự kiện lịch sử đặc biệt này vẫn luôn được quan tâm bảo vệ, phát huy giá trị. Từ sau năm 1964, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích chiến trường Điện Biên Phủ bắt đầu được quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo.
Đặc biệt, năm 2004 kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, với sự quan tâm của Đảng, nhà nước, Khu di tích này đã được đầu tư kinh phí khá lớn cho việc trùng tu tôn tạo. Vì vậy, nhiều hạng mục công trình hiện nay vẫn tồn tại trong tình trạng kỹ thuật khá tốt, hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử đã thực sự đem lại hiệu quả rõ nét, là nền tảng cho sự phát triển du lịch.
Đối với những di tích quan trọng, có giá trị đã đưa vào phục vụ khách tham quan như Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Di tích Đường kéo pháo, Đồi A1, hầm Đờ Cát, Tượng đài chiến thắng, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử... là những công trình tiêu biểu, xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và là điểm thu hút rất đông du khách đến tham quan.
Trong khuôn khổ kỷ niệm 64 năm và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Điện Biên đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của Di tích chiến trường Điện Biên Phủ, thường xuyên tu sửa, bảo quản tại các điểm di tích lịch sử.
Bên cạnh đó, những nội dung lịch sử, thuyết minh tại các điểm Di tích chiến trường Điện Biên Phủ được chỉnh sửa, bổ sung. Việc đổi mới trong công tác gìn giữ cải tạo cảnh quan tạo cho Di tích một diện mạo mới với tiêu chí xanh-sạch-đẹp được quan tâm thực hiện và thu hút khách đến tham quan.
Nhằm phát huy giá trị to lớn của các Di tích chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên còn đặc biệt chú ý tới việc đổi mới phương pháp trưng bày tại nhà Bảo tàng và tại các điểm di tích để thấy được tính nghệ thuật, sự phong phú, hấp dẫn của các hiện vật và làm sống lại cuộc kháng chiến trường kỳ sau hơn nửa thế kỷ.
Ngành du lịch tỉnh Điện Biên cũng đã phối hợp với các cơ sở đào tạo và các dự án của Trung ương mở lớp đào tạo, tập huấn thuyết minh viên nhằm nâng cao chất lượng thuyết minh, hướng dẫn viên trên địa bàn tỉnh.
- Bất cập và khó khăn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích chiến trường Điện Biên Phủ hiện nay?
Bà Vũ Thị Tuyết Nga: Vấn đề cần nói đến đầu tiên chính là vốn đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích còn yếu. Vì vốn đầu tư ít nên việc đầu tư chủ yếu ở những di tích quan trọng gần trung tâm như Đồi A1, Sở chỉ huy Mường Phăng, hầm Đờ Cát, Đường kéo pháo, Trận địa pháo...; còn đối với những di tích xa trung tâm như Sở chỉ huy Thẩm Púa; Sở chỉ huy Huổi He; Đài quan sát của Sở chỉ huy Mường Phăng; Sở chỉ huy của các trung đoàn, đại đoàn; Bệnh viện tiền phương… thì hầu như vẫn chưa được quy hoạch, khoanh vùng cắm mốc.
Bên cạnh đó, tác động của thiên nhiên, thời tiết, các yếu tố ngoại vi và đặc biệt là trải qua thời gian khá dài, các di tích đang bị mất dần các yếu tố gốc. Ngoài ra, cơ sở để thực hiện công tác bảo tồn và phục hồi di tích là những thông tin, tư liệu do các nhân chứng lịch sử cung cấp, những chứng cứ khoa học liên quan đến Di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng ít.
Di tích chiến trường này là các chứng tích chiến tranh và hầu hết tồn tại ở dạng phế tích nên việc tu bổ, tôn tạo gặp nhiều khó khăn.
- Để phát huy hơn nữa vai trò, giá trị của Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, trong thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện như thế nào?
Bà Vũ Thị Tuyết Nga: Trong năm 2013, tỉnh Điện Biên đã tiến hành điều tra, kiểm kê di tích trên toàn tỉnh. Đây là hoạt động quan trọng nhằm nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, pháp lý cho di tích, là căn cứ để khoanh vùng, quy hoạch và tiến tới phân loại xác định thứ tự ưu tiên đầu tư để khai thác phục vụ phát triển du lịch.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực tiếp quản lý di tích đẩy mạnh việc nghiên cứu, bổ sung thông tin khoa học cho di tích, sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích, khai thác các nguồn tài liệu, nhân chứng một cách toàn diện.
Ngành tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích, phối hợp với chính quyền và nhân dân tại các địa bàn có di tích cùng phối hợp bảo vệ, nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử. Bên cạnh đó công tác xã hội hóa trùng tu tôn tạo di tích đã và đang được địa phương đẩy mạnh và đã thu được những kết quả đáng kể. Ngành sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động toàn xã hội chung tay cùng tỉnh Điện Biên trong hoạt động có ý nghĩa này.
Ngoài 8 điểm di tích được đưa vào phục vụ khách tham quan (có thu phí), Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên đã giao cho ngành văn hóa xây dựng đề án tiếp tục bảo tồn, lựa chọn các điểm di tích tiêu biểu, có giá trị lịch sử cao để phục dựng lại và bảo tồn theo “Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030.”
Với việc đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ sẽ ngày càng phát huy, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, giá trị văn hóa, lịch sử, để du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ðiện Biên./.