Bảo tồn và phát huy giá trị di tích và văn hóa Mẫu Sơn

Khu du lịch Mẫu Sơn gồm 80 ngọn núi lớn nhỏ, trong đó có hai điểm cao nhất là Núi Cha, cao 1.541m; và Núi Mẹ, cao 1.520m).
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích và văn hóa Mẫu Sơn ảnh 1rên đỉnh Mẫu Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Khu du lịch Mẫu Sơn nằm cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30 km về phía Đông Bắc theo tuyến đường quốc lộ 4B, được trải dài theo địa bàn 3 xã Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) và Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình).

Với tổng diện tích hơn 10.000ha, khu du lịch Mẫu Sơn gồm 80 ngọn núi lớn nhỏ, trong đó có hai điểm cao nhất là Núi Cha (cao 1.541m) và Núi Mẹ (cao 1.520m).

 

 Do nằm trên độ cao 1.200-1.300m so với mực nước biển, khí hậu ở đây mang tính chất ôn đới, do vậy mùa hè mát mẻ, trong lành, mùa đông sương mù băng giá.

Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với những khe suối nhỏ, thảm thực vật đa dạng, phong phú với trên 1.500ha rừng nguyên sinh còn bảo tồn được nhiều loại thực vật quý hiếm do vậy rất thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch.

Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị di tích và văn hóa Mẫu Sơn gắn với phát triển du lịch, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền nhân dân bảo tồn, lưu giữ những di tích, giá trị văn hóa như Núi Phật Chỉ, Khu Linh địa Mẫu Sơn, nhà trình tường, các nghi lễ cúng bái của người Dao... Nhờ đó, đến nay các di tích, giá trị văn hóa vẫn được giữ nguyên các giá trị nguyên sơ.

Tỉnh đồng thời xúc tiến các hoạt động liên kết, quảng bá về khu du lịch Mẫu Sơn, đẩy mạnh việc tuyên truyền cho nhân dân, đồng bào tại khu du lịch Mẫu Sơn về vị trí, vai trò của khu du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Từ năm 2000, tỉnh Lạng Sơn đã đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng các cơ sở hạ tầng như cải tạo, trải nhựa, bê tông hóa và xây dựng lan can vững chắc cho con đường độc đạo từ thành phố Lạng Sơn lên đỉnh khu du lịch Mẫu Sơn; xây dựng mạng lưới điện, nước sinh hoạt, chợ, trường học, tháp tiếp sóng phát thanh, truyền hình. Đồng thời tạo cơ chế, chính sách ưu tiên cho các nhà đầu tư cải tạo và xây dựng mới những cơ sở lưu trú phục vụ khách thăm quan...

Đặc biệt, khai thác lợi thế từ sự ưu đãi của thiên nhiên, khí hậu, tài nguyên sinh vật, người Mẫu Sơn đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn đối với du khách như chè San Tuyết, rượu Mẫu Sơn, mật ong rừng, gà 6 cựa, thịt lợn hun khói...

Ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng ban Quản lý khu du lịch Mẫu Sơn cho biết, đến Mẫu Sơn, du khách ngoài việc được thưởng thức các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn, du lịch thể thao... thì một trong những hình thức du lịch là hấp dẫn là du lịch văn hóa tâm linh. Ở Mẫu Sơn có hai địa điểm về du lịch tâm linh là núi Phật Chỉ.

Hiện nay, ở khu vực này vẫn giữ được vẻ hoang sơ, tự nhiên như nó vốn có. Đây không chỉ là một nơi tâm linh với tín ngường “đa thần” của người Dao Mẫu Sơn và với vị trí, địa thế, cảnh quan môi trường thoáng đãng, những ngọn núi trùng trùng, điệp điệp; một cánh đồng cỏ xanh rì, rộng mênh mông, trải dài đến ngút tầm mắt... nó còn là một địa điểm lý tưởng để khám phá du lịch, vui chơi.

Nằm giữa Núi Cha và Núi Mẹ trên địa bàn thôn Lặp Pịa (xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình) là Linh địa Mẫu Sơn. Đây là Khu đền cổ và mộ đá mang đầy đủ ý nghĩa của một di tích tín ngưỡng và trở thành biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống phong phú của người Tày cổ đã từng sinh sống trên vùng đất biên cương của Tổ quốc

Tuy nhiên, theo ông Đăng muốn khu du lịch Mẫu Sơn phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có để thực sự trở thành điểm du lịch quốc gia cần phải tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng hiện có tại khu vực Mẫu Sơn, nghiên cứu và phát huy có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống, bản địa; tuyên truyền giáo dục nhân dân nâng cao nhận thức, tích cực tham gia bảo vệ các tài nguyên trong khu vực, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng thời sử dụng có hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, kêu gọi các nhà đầu tư để nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng, tôn tạo một số di tích tại khu du lịch Mẫu Sơn; huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư các cơ sở dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí...

Cần tích cực tuyên truyền, quảng bá khu du lịch Mẫu Sơn, kết nối với các điểm, khu du lịch khác trong tỉnh và các trung tâm du lịch trong vùng lân cận để xây dựng tua, tuyến hợp lý, thu hút khách tham quan du lịch.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.