Bảo vật ‘Vườn Xuân Trung Nam Bắc’ bị hư hại: Trách nhiệm thuộc về ai?

Sự việc Bảo vật ‘Vườn Xuân Trung Nam Bắc’ bị hư hại là hồi chuông cảnh báo đối với việc bảo quản, tu sửa tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm hội họa nói riêng tại Việt Nam hiện nay.
Bức tranh "Vườn Xuân Bắc Trung Nam" trước khi bị can thiệp.
Bức tranh "Vườn Xuân Bắc Trung Nam" trước khi bị can thiệp.

“Tôi không thể hình dung được tại sao người ta lại có thể ứng xử với một bức tranh vô giá đã được công nhận là Bảo vật quốc gia như vậy!” Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội) thốt lên trước thông tin tác phẩm “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hại do can thiệp không đúng cách trong quá trình vệ sinh, bảo quản.

Không thể phục hồi nguyên trạng

Theo nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật và kỹ thuật vẽ sơn mài của danh họa Nguyễn Gia Trí. Bức tranh được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg (ngày 30/12/2013) của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận “dậy sóng” trước thông tin bảo vật quốc gia “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” bị hư hại. Qua kiểm tra, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho ông Lưu Minh Phụng - một thợ sơn mài ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc bảo quản phòng ngừa vệ sinh tác phẩm.

[Bảo vật quốc gia ''Vườn xuân Trung Nam Bắc'' bị hư hại nặng]

Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa của danh họa Nguyễn Gia Trí, ông Lưu Minh Phụng đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh, gây ra hư hại.

Lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, xét ở góc độ hư hại về tinh thần, không gian, không khí, phần linh hồn của tác phẩm đã bị hư hại khoảng 30%. Cụ thể, do bị tác động vào bề mặt làm mất đi lớp sơn bề mặt của tác phẩm nên sự uyển chuyển, tinh tế liên kết giữa các mảng sơn, mảng vỏ trứng, mảng dát vàng - đặc trưng của nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí đã không còn.

Ở góc độ hư hại về vật chất, các mảng vỏ trứng bị mài mòn, bị trơ ra, trắng bệch, trắng vôi, mảng dát vàng bị mài mòn; nét và các mảng hình tiếp giáp nhau bị lộ, trơ, mất đi sự tinh tế uyển nhã đan xen giữa mảng và nét. Góc độ hư hại về vật chất bề mặt tác phẩm khoảng 15%.

Ông Vi Kiến Thành cho rằng, bức tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” khó có thể phục hồi nguyên trạng như trước đây bởi yếu tố quan trọng hàng đầu của tranh sơn mài (phần hồn, tinh thần và không khí trong tranh) đã bị ảnh hưởng, hư hại khá nhiều. Đây là phần không thể phục hồi như nguyên bản.

Sự thiếu trách nhiệm của cấp quản lý

Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng, cách bảo quản phòng ngừa vệ sinh tác phẩm như vậy sai cả quy trình và phương pháp, thể hiện cách ứng xử tùy tiện, thô bạo đối với một tác phẩm nghệ thuật được xếp vào hàng tuyệt tác của mỹ thuật Việt Nam.

[Nguyễn Gia Trí - họa sỹ tiên phong sáng tạo tranh sơn mài Việt Nam]

“Điều đó không chỉ bộc lộ sự thiếu hiểu biết của người trực tiếp thực hiện việc vệ sinh tác phẩm mà còn cho thấy sự thiếu trách nhiệm của những người quản lý,” ông Nguyễn Đỗ Bảo nhấn mạnh.

Bảo vật ‘Vườn Xuân Trung Nam Bắc’ bị hư hại: Trách nhiệm thuộc về ai? ảnh 1Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo. (Ảnh: P. Mai/Vietnam+)

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng, đối với những tác phẩm độc bản, giá trị như “Vườn Xuân Trung Nam Bắc,” khi tiến hành bảo quản, vệ sinh cần có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành (từ việc khảo sát thực trạng, lập kế hoạch, thống nhất phương án thực hiện) và sự giám sát chặt chẽ của các cấp quản lý.

“Trong khi đó, câu chuyện với ‘Vườn Xuân Trung Nam Bắc’ lại theo trình tự ngược lại, khi dư luận lên tiếng thì các đơn vị quản lý mới vào cuộc theo kiểu ‘mất bò mới lo làm chuồng.’ Bởi vậy, không chỉ người thợ trực tiếp thực hiện việc vệ sinh bức tranh mà cả những cán bộ quản lý (lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong sự việc lần này. Tôi cho rằng, cần có hình thức kỷ luật cụ thể để nêu cao tinh thần trách nhiệm, tránh những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai, chứ không nên chỉ dừng lại ở mức độ rút kinh nghiệm,” ông Nguyễn Đỗ Bảo bày tỏ quan điểm.

Ở góc độ khác, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội cho biết, sự việc lần này là hồi chuông cảnh báo đối với việc bảo quản, tu sửa tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm hội họa nói riêng bởi trên thực tế, hiện nay, nhiều bức tranh giá trị tại các bảo tàng trên cả nước đang bị xuống cấp trước tác động của thời gian, môi trường, điều kiện bảo quản…

Sự việc bảo vật quốc gia “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” bị hư hại cũng cho thấy những lỗ hổng trong công tác bảo quản tác phẩm nghệ thuật, bảo vật quốc gia. “Việt Nam chưa có quy trình chuẩn với những tiêu chí, yêu cầu cụ thể đối với việc bảo quản tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm hội họa nói riêng. Bên cạnh đó, trình độ của những người làm công tác bảo quản, quản lý tác phẩm nghệ thuật còn nhiều hạn chế,” ông Bảo nói.

Từ đó, ông Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng, thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn của những người làm việc trong lĩnh vực quản lý, bảo quản tác phẩm nghệ thuật, cần gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cá nhân, cấp quản lý.

“Người làm công tác quản lý, bảo quản, tu sửa tác phẩm hội họa không những cần sự hiểu biết về lịch sử mỹ thuật, đặc trưng, phong cách sáng tác của các tác giả mà còn phải có kiến thức vật lý, hóa học (để sử dụng các chất hóa học, tẩy rửa trong quá trình bảo quản, sửa chữa, phục chế… sao cho phù hợp),” ông Bảo phân tích.

Để khắc phục những hạn chế, lỗ hổng đang tồn tại hiện nay, ông Vi Kiến Thành cho biết, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ kiến nghị Cục Di sản văn hóa sớm tham mưu với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn về chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia.

Với riêng trường hợp bức tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” bị hư hại, Cục Mỹ Thuật, Nhiếp ảnh và Triển Lãm đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh lập dự án tu sửa tác phẩm một cách thận trọng, khoa học, khắc phục sự hư hại hiện tại ở mức độ tốt nhất. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng mức độ hư hại theo đánh giá của các họa sỹ sơn mài uy tín và của Hội đồng khoa học, Bảo tàng cần xây dựng phương án, giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh.

Công việc tu sửa, phục hồi cần có sự phối hợp giám sát của Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam./.

Họa sỹ Nguyễn Gia Trí tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1936). Ông là họa sỹ bậc thầy, đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài. Ông đã có những tìm tòi, sáng tạo riêng để tạo ra một bảng màu mới và đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao mới với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây về hình họa.

Bức tranh “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” có kích thước 540cm x 200cm; mô tả không khí ngày Xuân với hình ảnh các thiếu nữ ba miền trong trang phục truyền thống đi dự hội trong không khí náo nức, hoan ca. Bức tranh được danh họa Nguyễn Gia Trí bắt đầu sáng tác từ năm 1969, hoàn thành vào năm 1989. Đây là hiện vật gốc, độc bản, sáng tác vào giai đoạn đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, có ý nghĩa như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương, đất nước.

Năm 1991, tác phẩm được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mua với giá 100.000 USD và trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục