Bảo vệ môi trường biển giúp Vịnh Hạ Long hút khách

Để bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sẽ di dời làng chài trên vịnh, cấm các hoạt động gây ô nhiễm vịnh và triển khai các dự án xử lý nước thải.
Bảo vệ môi trường biển giúp Vịnh Hạ Long hút khách ảnh 1Vịnh Hạ Long - Kỳ quan thiên nhiên thế giới. (Nguồn: TTXVN)

Bảo vệ môi trường sẽ giúp cho việc bảo tồn nguyên gốc di sản Vịnh Hạ Long và là yếu tố then chốt khi thu hút du khách đến với vịnh, đó là quan điểm chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh cũng như Ban quản lý Vịnh Hạ Long trongviệc nâng cao chất lượng hoạt động du lịch của tỉnh.

Ông Đỗ Đức Thắng, Phó trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long, đã bày tỏ những quan điểm của mình về vấn đề này với phóng viên TTXVN.

- Từ khi Vịnh Hạ Long trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, tỉnh Quảng Ninh cũng như Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã có những cách làm như thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị di sản thu hút khách du lịch tới vịnh, thưa ông?

Ông Đỗ Đức Thắng: Vịnh Hạ Long được thế giới bầu chọn là bảy kỳ quan thiên nhiên là niềm tự hào lớn đối với Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh và Ban quản lý vịnh luôn xác định bảo tồn nguyên gốc giá trị thiên nhiên của Vịnh Hạ Long là sức thu hút lớn nhất và là nhiệm vụ hàng đầu. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách cũng như nghị quyết, chỉ thị kịp thời cho vấn đề này.

Cụ thể, Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành ba Nghị quyết lớn liên quan đến Vịnh Hạ Long như Nghị quyết 68 HĐND tỉnh về quản lý bản tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long, giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn 2020, Nghị quyết 88 của HĐND quy định về mức thu phí tham quan Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển du lịch Quảng Ninh, giai đoạn 2013-2020.

Từ những Nghị quyết này, tỉnh chỉ đạo xây dựng quy hoạch du lịch Quảng Ninh đến 2020 và tầm nhìn 2030. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành quy chế như quy chế quản lý tạm thời về môi trường kinh doanh du lịch; quy chế quản lý hoạt động tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Không chỉ vậy, để đa dạng hóa các tour, tuyến du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã mở rộng việc xây dựng các tuyến du lịch tham quan ra vịnh Bái Tử Long. Đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh đã hình thành được ba tuyến chính gồm tuyến Hạ Long-Công viên Hòn Xếp; tuyến Vũng Đục (thành phố Cẩm Phả)-Công viên Hòn Xếp và tuyến Cái Rồng-Minh Châu.

Cùng với các tuyến trên vịnh, các tuyến du lịch trên bộ cũng đã được hoàn thiện và kết nối các tuyến đã có với các sản phẩm du lịch mới, kết nối trung tâm du lịch Hạ Long với các điểm du lịch mới tại vùng biên giới thuộc các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái.

Nhờ đó, trong năm 2013, ngành du lịch Quảng Ninh duy trì được tốc độ tăng trưởng với tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đạt hơn 7,5 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 2,6 triệu lượt, tăng 8%, khách lưu trú đạt 3,4 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch đạt 5.000 tỷ đồng.

Năm nay, ngành du lịch Quảng Ninh đặt ra mục tiêu đón 7,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 5.500 tỷ đồng.

- Hiện nay, môi trường là vấn đề bức xúc đối nhiều tỉnh có bờ biển khi phát triển du lịch. Vậy tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp gì để bảo vệ tốt môi trường du lịch biển, góp phần thu hút du khách?

Ông Đỗ Đức Thắng: Tỉnh Quảng Ninh đã có những hành động cụ thể để bảo tồn Vịnh Hạ Long như cấm các hoạt động vận chuyển gây ô nhiễm vịnh, triển khai các dự án xử lý nước thải, sắp xếp công tác quản lý vịnh...

Đặc biệt, tỉnh có dự án di dời làng chài trên Vịnh Hạ Long, theo tôi đây là dự án tốt nhất trong các dự án di dời làng chài tại các di sản khác trên thế giới, góp phần bảo vệ môi trường biển.

Ban quản lý vịnh đã tham mưu với tỉnh trong việc chỉnh sửa bổ sung Quy chế quản lý Vịnh Hạ Long trên cơ sở Quy chế cũ được ban hành vào năm 2007 với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Vịnh Hạ Long.

Tiếp đến là báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trên Vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long; mở rộng liên kết vùng trong công tác quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long thông qua việc ký kết quy chế phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) trong quản lý, bảo tồn vùng Vịnh Hạ Long và vịnh Cát Bà. Điều này đã góp phần quản lý hiệu quả các hoạt động kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm trên Vịnh Hạ Long.

Để Vịnh Hạ Long xanh, sạch hơn, Ban quản lý vịnh đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái vịnh thông qua việc điều tra khảo sát đánh giá nguồn xả thải xuống vịnh, nguy cơ gây ô nhiễm Vịnh Hạ Long, dự báo tình trạng môi trường vùng vịnh; xây dựng phương án thu gom, vận chuyển rác thải trên vịnh đưa về bờ xử lý trong đó có đề xuất đầu tư nguồn lực để thu gom rác vận chuyển về bờ; kêu gọi nguồn tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường trên Vịnh Hạ Long với việc phối hợp trường đại học Osaka-Nhật Bản triển khai Dự án cơ sở JICA-pha 2 (2013-2016) tổng kinh phí thực hiện 60 triệu yen.

Ban quản lý vịnh cũng đã triển khai phương án củng cố, tăng cường công tác cứu hộ cứu nạn tại các tuyến, điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long nhằm tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh cho khách tham quan trên vịnh; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của vịnh để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang thương hiệu Hạ Long, trong đó có bảo tồn và phát huy sản phẩm du lịch văn hóa làng chài.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, quảng bá di sản theo hướng chất lượng, hiệu quả, có chiều sâu, khuyến khích cộng đồng tham gia quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long; kết nối với mạng lưới Di sản biển thế giới; củng cố, sắp xếp lại cơ sở vật chất, đội ngũ hướng dẫn viên tại các cảng bến làm công tác đón tiếp, giới thiệu tổng quan về Vịnh Hạ Long, giới thiệu tuyến, điểm, sản phẩm du lịch ...

Trong năm nay, Ban quản lý Vịnh Hạ Long sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự của Ban và không ngừng nghiên cứu tìm giải pháp cụ thể cho để sao cho việc quản lý, bảo tồn phải đi đôi với khai thác di sản phục vụ du lịch theo hướng bền vững .

Để góp phần bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cũng như môi trường Vịnh Hạ Long nhằm thu hút du khách đến với Quảng Ninh, theo tôi, tỉnh cần có cơ chế điều chỉnh hợp lý hơn giữa việc hưởng lợi của các doanh nghiệp đang hưởng thụ việc khai thác trên Vịnh Hạ Long với nguồn thu của ngân sách nhà nước; tiếp tục ban hành quy định cho Ban quản lý vịnh đầy đủ hơn nữa vì hoạt động du lịch trên vịnh chịu điều chỉnh của nhiều văn bản khác nhau.

Hiện nay, hoạt động du lịch chỉ theo Luật Di sản nhưng về thẩm quyền thì Ban quản lý vịnh không xử phạt nên gây khó cho việc trực tiếp xử lý khi có vi phạm xảy ra trên vịnh.


PV: Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.