Bảo vệ nguồn lợi thủy sản lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội

Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các tỉnh, ban quản lý các khu bảo tồn biển phải tăng phối hợp với kiểm ngư, bộ đội biên phòng, hội phụ nữ… trong các hoạt động bảo tồn biển.

Các đại biểu và các chuyên gia khởi động website về bảo tồn biển. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)
Các đại biểu và các chuyên gia khởi động website về bảo tồn biển. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Ngày 23/12, tại thành phố Hội An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vì môi trường ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương cần tập trung hoàn thành các nhiệm vụ theo Luật Thủy sản, nhất là 16 khu vực bảo tồn biển đã được thành lập, tiếp tục thúc đẩy thành lập các khu bảo tồn biển, cần quan tâm đầu tư kinh phí trong việc điều tra, quy hoạch chi tiết các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là đối với những loài quý hiếm ở địa phương; xây dựng những kế hoạch, nhiệm vụ lồng ghép với những kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...

Tại hội nghị, các chuyên gia, đại biểu cho rằng, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các tỉnh, ban quản lý các khu bảo tồn biển cần phải tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng, hội phụ nữ… trong các hoạt động bảo tồn biển.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần phải có chính sách hỗ trợ ngư dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển chuyển đổi nghề từ đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ sang các nghề khác.

Các tỉnh cần bổ sung nhân lực và kinh phí cho các Khu bảo tồn biển, cần phải chấm dứt tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình hạ tầng trái phép trong phạm vi các khu bảo tồn biển đang ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, Cục Kiểm ngư xác định, nhiều khó khăn hạn chế đang diễn ra như việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ quản lý và phát triển hệ thống khu bảo tồn biển tại Việt Nam còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Việc thành lập khu bảo tồn biển trên phạm vi toàn quốc, việc quy hoạch thành lập đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển tại các địa phương chậm so với mục tiêu đề ra. Dẫn đến, tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển ở các tỉnh chưa ổn định, cơ cấu tổ chức, bộ máy của ban quản lý khu bảo tồn biển chưa có sự thống nhất ở các địa phương.

Hơn hết, do khu bảo tồn biển ở một số tỉnh bị khống chế về lực lượng, trong khi phải quản lý diện tích biển khá rộng và phức tạp khiến các khu bảo tồn biển khó thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao,...

Qua đó, các đại biểu cho rằng, hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản cần phải mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực trong, thu hút nguồn tài trợ của các quốc gia, các tổ chức để tăng cường kinh phí cho các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng đến môi trường ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.