Bất chấp giá cả tăng vọt, kinh tế Eurozone tăng trưởng vượt dự kiến

Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 19 quốc gia Eurozone đã tăng 0,7% trong quý 2/2022, cao hơn dự đoán trước đó của các nhà phân tích.
Bất chấp giá cả tăng vọt, kinh tế Eurozone tăng trưởng vượt dự kiến ảnh 1Biểu tượng đồng euro phía trước tòa nhà ECB ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) đang chứng tỏ khả năng phục hồi vượt mong đợi bất chấp giá năng lượng và lương thực tăng vọt.

Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 19 quốc gia Eurozone đã tăng 0,7% trong quý 2/2022, cao hơn dự đoán trước đó của các nhà phân tích.

Các quốc gia phụ thuộc vào du lịch thậm chí còn cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn, với Pháp và Tây Ban Nha đã tăng trưởng vượt dự kiến nhờ lượng du khách đổ về các điểm đến hàng đầu thế giới.

[Các nhà kinh tế ECB nâng dự báo về mức lạm phát ở Eurozone]

Trong quý vừa kết thúc, kinh tế của Pháp và Tây Ban Nha tăng trưởng lần lượt 0,5% và 1,1% so với các quý trước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng sự thúc đẩy từ lĩnh vực du lịch sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với thách thức lớn để duy trì tăng trưởng trong nửa cuối năm.

Andrew Kenningham, nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, có trụ sở tại London (Anh), cho rằng số liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến không làm thay đổi thực tế rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc đi cùng với đà tăng của lạm phát và lãi suất có khả năng đẩy khu vực này rơi vào suy thoái kinh tế vào cuối năm nay.

Xung đột tại Ukraine đã thúc đẩy giá khí đốt tự nhiên và các mặt hàng tạp hóa tăng vọt, với lạm phát tại Eurozone lên mức kỷ lục 8,9% trong tháng Bảy. Cường quốc công nghiệp của châu Âu là Đức tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do xung đột.

Tăng trưởng trì trệ của Đức trong quý 2/2022 đã khiến các nhà phân tích trên toàn thế giới cảnh báo một cuộc suy thoái sẽ lan ra toàn châu lục.

Nga đã giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho Đức. Động thái làm dấy lên lo ngại rằng lượng dự trữ sẽ rất thấp trong mùa Đông và có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng Đức, đầu tàu của nền kinh tế châu Âu, là quốc gia đối diện với nguy cơ cao nhất trước xung đột tại Ukraine.

Các nhà kinh tế đều nhấn mạnh rằng triển vọng của kinh tế châu Âu trong những tháng tới rất thiếu chắc chắn do xung đột./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.