Bất động sản công nghiệp đón cơ hội từ ngành sản xuất ôtô

Các nhà phát triển bất động sản công nghiệp có thể nắm bắt cơ hội từ sự tăng trưởng bằng cách cung cấp không chỉ quỹ đất, mà còn tích hợp cơ sở hạ tầng công nghiệp để phục vụ cho ngành sản xuất ôtô.
Quy trình lắp ráp ôtô Vinfast bằng robot và hệ điều hành sản xuất thông minh. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Bất động sản công nghiệp nắm bắt cơ hội từ ngành công nghiệp ôtô là chủ đề chính của buổi tọa đàm do Công ty trách nhiệm hữu hạn CBRE Việt Nam tổ chức chiều ngày 9/7 tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều diễn giả là quản lý cấp cao của CBRE trong và người nước cùng khách mời là một số doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực này.

Theo ông Lê Hiếu, Giám đốc dịch vụ tư vấn và kinh doanh CBRE, tại Việt Nam, cùng với sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, những thay đổi nhanh chóng trong các quy định của nhà nước cùng nhiều Hiệp định thương mại quốc tế đã có tác động đáng kể đến thị trường công nghiệp.

Từ góc độ bất động sản, khía cạnh quan trọng nhất đối với sự thay đổi của thị trường và kinh tế vĩ mô là nhu cầu đất công nghiệp gia tăng nhằm phục vụ mở rộng sản xuất công nghiệp.

Đáng chú ý, mới đây, khi Tập đoàn Vingroup chính thức ra mắt nhà máy sản xuất ôtô VinFast tại Hải Phòng với 650 chiếc Fadil đầu tiên được giao cho khách hàng.

Đây là những chiếc xe ôtô đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, cùng chuỗi các sự kiện quảng bá ấn tượng đã phần nào đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Các chuyên gia của CBRE cho rằng, câu chuyện đằng sau tham vọng xe hơi của Vingroup, không chỉ gói gọn trong hai từ “kỳ diệu” mà còn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ về nhu cầu cho bất động sản công nghiệp trong ngành công nghiệp xe bốn bánh.

[Thủ tướng mong muốn Vinfast tạo ra dấu ấn và bản sắc của người Việt]

Mặc dù ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Việt Nam còn chưa phát triển so với các nước trong khu vực, nhưng các công ty lớn trong thị trường đã bước đầu có kế hoạch xây dựng các trung tâm sản xuất ôtô khổng lồ và chuyên nghiệp như THACO với Khu liên hợp Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam) và VinFast với tổ hợp sản xuất xe hơi tại thành phố Hải Phòng.

Ôtô Vinfast chuẩn bị tung ra thị trường. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Cùng đó, các nhà lắp ráp xe hơi nổi tiếng quốc tế như Mercedes - Benz, Toyota hay Mitsubishi Motors, cũng có các kế hoạch mở rộng của riêng họ. Nhất là khi được hỗ trợ mạnh mẽ bởi sự cải thiện nhanh chóng của mạng lưới đường cao tốc, cảng nước sâu kết nối các trung tâm công nghiệp và hậu cần.

Hiện không chỉ các nhà lắp ráp mà cả các nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng xe hơi cũng tham gia vào cuộc chơi với những yêu cầu về đất công nghiệp ngày càng tăng được ghi nhận trong những năm gần đây.

Nhu cầu của khách hàng khác nhau trong tất cả các bước sản xuất xe hơi cho thấy sự phát triển của chuỗi cung ứng ôtô.

Đây chính là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn cung hiện tại còn hạn chế.

Hơn nữa, mỗi khu vực tại Việt Nam đều có những lợi thế cạnh tranh khác nhau dựa trên sự khác biệt trong tính chất kinh doanh, sản xuất cũng như quỹ đất trống - ông Hiếu phân tích.

Thái Lan và Hoa Kỳ được đưa ra minh chứng bởi đây là hai “ông lớn” trong sản xuất và lắp ráp ôtô của mỗi châu lục với những bài học kinh nghiệm riêng chứng minh sự bùng nổ của thị trường bất động sản công nghiệp nhờ sự tập trung của các nhà sản xuất và cung ứng tại mọi khu vực.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lấp đầy cao và giá cho thuê tăng thách thức việc mở rộng sản xuất và tạo ra sự dịch chuyển nhu cầu sang các thị trường mới nổi.

Theo ông Hiếu, chúng ta cũng đang thấy xu hướng tương tự ở ở Việt Nam khi thị trường công nghiệp truyền thống ở khu vực phía Bắc và phía Nam đang phát triển với quỹ đất hạn chế và giá thuê rất cao.

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt đến giai đoạn phát triển và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.

Vai trò của các nhà hoạch định chính sách được coi là quan trọng nhất, nhưng ngành công nghiệp này cần nhiều hơn thế để phát triển mạnh.

Theo đó, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp có thể nắm bắt cơ hội từ sự tăng trưởng bằng cách cung cấp không chỉ quỹ đất, không gian lưu trữ, mà còn tích hợp cơ sở hạ tầng công nghiệp và hậu cần, để phục vụ tập trung cho ngành sản xuất ôtô.

Tuy nhiên, ông Đặng Thanh Sơn - Cố vấn cao cấp Công ty Luật Baker McKenzie cho rằng, khung chính sách hiện nay vẫn chưa ổn, trong khi đó, các quy định lại ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam.

Hiện nhiều luật của Việt Nam vẫn còn những khoảng trống lớn. Trên thực tế, khung pháp lý có tác dụng thúc đẩy, thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng cái họ cần vẫn là sự ổn định của khung pháp lý đó.

Xác định yếu tố lớn nhất ảnh hưởng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, bà Trương Minh Hạnh - Giám đốc Marketing của VSIP Bắc Ninh chia sẻ, hiện nay có hàng trăm công ty tham gia vào lĩnh vực công nghiệp.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất với các nhà đầu tư là việc tìm địa điểm. Cùng đó, tạo môi trường và điều kiện làm việc, sinh sống tốt nhất cho người lao động để thu hút và giữ chân lao động tay nghề cao.

Mặt khác, chính phủ cần tạo ra sân chơi bình đẳng, không nên tạo ra quá nhiều ưu đãi mà nên có những chính sách thắt chặt để quản lý hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục