Những ngày qua, thời tiết miền Bắc với độ ẩm cao lên đến 90%, mưa phùn kéo dài suốt nhiều ngày liền là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn sinh sôi phát triển.
Đây cũng là tác nhân khiến nhiều trẻ em, người lớn có cơ địa hay nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết dễ mắc các bệnh về hô hấp như: viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hen suyễn.
Bệnh hô hấp đe dọa trẻ dưới 2 tuổi
Đang chăm bé 7 tháng tuổi tại Khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Ngọc Phượng (29 tuổi) ở Thanh Xuân, Hà Nội cho hay: bé nhà chị nhập viện được 2 ngày vì viêm phổi. Theo chị Phượng, trước đó bé có các triệu chứng sốt, thở gấp và ho kéo dài.
Qua theo dõi mấy ngày, chị Phượng thấy con thở nhanh, rút lõm lồng ngực ăn kém, không chịu chơi liền ngay sau đó cho con đi khám.
Sau khi đi khám, bé được các bác sỹ chẩn đoán viêm phổi do ảnh hưởng của thời tiết mưa ẩm khiến bé nhiễm loại vi khuẩn đường hô hấp.
Phó giáo sư Lê Thị Minh Hương - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương phân tích, trời nồm ẩm trẻ dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, bệnh đường mũi họng, nhất là với những trẻ bụ bẫm từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi với các biểu hiện như khò khè.
Không riêng gì chị Phượng, tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cũng có rất nhiều trẻ phải đến khám với nhiều loại bệnh khác nhau do bị ảnh hưởng bởi kiểu thời tiết nồm ẩm.
Bác sỹ Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, kiểu thời tiết trời nồm là một trong những yếu tố làm nguy cơ bệnh trẻ em tăng lên. Nguyên nhân là do thời tiết ẩm, không khí ẩm mốc bệnh trẻ em dễ phát triển như bệnh về đường hô hấp, bệnh về khớp, bệnh liên quan đến tiêu hóa.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong một tuần nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám từ 2.000-2.500 bệnh nhân một ngày/đêm. Tuần thời tiết mưa và nồm vừa qua, số bệnh nhân nhi đến khám có tăng nhẹ, tuy nhiên không đáng kể. Đáng chú ý số bệnh nhân nhi mắc các bệnh về đường hô hấp chiếm 1/3 tổng số bệnh nhân đến khám tại viện.
Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi tới khám tăng 15% so với những ngày thường. Số trẻ tới khám tập trung nhiều ở nhóm bệnh viêm phổi, hen, nhiễm khuẩn hô hấp trên.
Người lớn thận trọng với bệnh hen
Đưng chờ đến lượt khám tại Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, bà Nguyễn Ngọc Mai (58 tuổi) ở Hoàng Mai, Hà Nội thở gấp, lồng ngực thỉnh thoảng lại co rút lại vì cơn hen ngày càng nặng. Bệnh nhân hầu như không nói, cả người dường như dồn mọi sự tập trung để điều hòa những cơn hít vào thở ra.
Người nhà bệnh nhân Mai cho biết, hai ngày nay bà Mai cảm thấy người khó chịu, khó thở ở lồng ngực nhất là buổi đêm và sáng sớm. Gần như cơn hen ngày càng gia tăng khiến bà không thể ngủ vào buổi tối, nhịp thở khó khăn.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm dị ứng-miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ bệnh nhân là người lớn bị hen gia tăng vào mùa Đông Xuân, nhất là kiểu trời nồm như hiện nay.
Tại khoa trung bình mỗi ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhân hen phế quản đến khám và điều trị, tư vấn về bệnh hen phế quản. Hiện tại tại khoa đang có 18 bệnh nhân nằm điều trị. Trong tổng số bệnh nhân đến khám có 10% bệnh nhân hen phế quản phải nằm điều trị nội trú.
Kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhân trong nhiều năm phó giáo sư Đoàn cho hay, mùa Xuân là mùa mà bệnh nhân mắc bệnh nặng hơn. Nguyên nhân là do độ ẩm cao cùng với kéo theo nhiều yếu tố thuận lợi do môi trường ẩm kích thích khởi phát cơn hen, cơn khó thở ở trẻ em và người lớn, chủ yếu là virus, vi khuẩn, một số yếu tố khác nữa.
Thống kê của Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian vừa qua cho thấy, bệnh nhân hen phế quản đến khám tự nguyện, theo dõi, sinh hoạt câu lạc bộ tăng lên nhưng hen nặng ko tăng vì họ đã kiểm soát thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về kiểm soát bệnh hen.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ
Cũng vào thời điểm Đông Xuân này năm ngoái, do thời tiết ẩm cộng thêm nhiều yếu tố tác động dịch sởi đã hoành hành mạnh mẽ với hậu quả nhiều trẻ em mắc sởi và tử vong. Đó chính là bài học đắt giá để nhiều gia đình cần có các giải pháp phòng chống bệnh về hô hấp cũng như các bệnh về truyền nhiễm cho trẻ nhỏ và người lớn.
Phó Giáo sư Lê Thị Minh Hương phân tích, vào những ngày thời tiết nồm ẩm nếu như trẻ không được dự phòng lại nhiễm thêm yếu tố virus sẽ làm khởi phát cơn hen mãn tính tiềm tàng ở những bệnh nhân hen, tim mạch, bệnh máu và dễ mắc thêm các bệnh khác.
“Bản thân người bình thường đã mệt, những người có thêm các bệnh kia mà vitamin thiếu, càng yếu thêm. Khi có tác nhân virus vi khuẩn vào và thời tiết thay đổi nóng lạnh thất thường trẻ có nguy cơ mắc bệnh càng cao, trên trẻ yếu thì bệnh ngày càng nặng,” bà Hương chỉ rõ.
Vì vậy, để phòng bệnh, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ cần tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất vitamin, thức ăn nên đa dạng, không ăn chuyên một loại, tăng cường vệ sinh mũi họng cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt, không cho trẻ tập trung vào môi trường đông người như siêu thị, hay tụ tập nhiều trẻ trong một căn phòng do kiểu thời tiết ẩm ánh sáng không có nên nấm mốc tăng lên, không khí trong các phòng không được lưu thông vì vậy nguy cơ mắc và lây bệnh càng cao.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: “Các bậc phụ huynh nên nhớ 2 điều là con ho sốt, chảy mũi thì nên cân nhắc liệu con mình có bị viêm phổi không nếu khám mà bé không bị viêm phổi thì đại bộ phận không cần nằm viện, còn những bệnh không phải phổi như viêm mũi, họng, tai thì các bậc phụ huynh nên đi khám sau đó điều trị cho trẻ ở nhà.”
Phó giáo sư Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm dị ứng-miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, trong kiểu thời tiết ẩm, người dân cần làm tốt việc vệ sinh sạch sẽ trong gia đình để phòng bệnh cho trẻ em và người lớn.
Theo phó giáo sư Đoàn, để vệ sinh nhà cửa người dân có thể lau các tường bị mốc ẩm, thậm chỉ các tủ, giá treo quần áo mốc. Gia đình nào có điều kiện nên mua máy hút ẩm hay bật điều hòa hút ẩm để làm căn phòng có độ ẩm thấp, không cao. Quần áo trước khi mặc thì nên sấy khô, là khô để những virus ẩm mốc chết, không có điều kiện phát triển.
Đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử bị bệnh hen hay có nguy cơ cần sử dụng thuốc dự phòng điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sỹ để phòng tránh cơn hen nặng lên./.
Theo các bác sỹ, trời nồm, các vi khuẩn vẫn là nhóm vi khuẩn đường hô hấp như phế cầu hay bệnh về đường tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm… thường xuất hiện trẻ em có thể trạng yếu, không được tiêm chủng đầy đủ hoặc không được chăm sóc kỹ càng.Vì vậy, các bậc cha mẹ nên tiêm chủng đầy đủ cho bé để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm và các loại virus, vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào cơ thể bé.