Bí thư Đồng Nai: Quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tỉnh ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành các khu công-nông nghiệp-dịch vụ ở những địa phương có điều kiện.
Bí thư Đồng Nai: Quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ảnh 1Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những kết quả mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh 2015-2020; phương hướng phát triển của tỉnh trong 5 năm tới, đặc biệt là những lĩnh vực đột phá xây dựng tỉnh phát triển toàn diện.

- Xin ông đánh giá về những kết quả mà Đồng Nai đã đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020?

Bí thư Nguyễn Phú Cường: Trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện. Đối chiếu các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh đề ra, có 18/20 chỉ tiêu đạt và vượt. Kinh tế tăng trưởng đạt mức cao so với bình quân chung của cả nước. Các dự án, công trình trọng điểm được tập trung đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông.

Tỉnh tập trung nguồn lực cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và triển khai Trung tâm Hành chính công tỉnh; kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách được tăng cường, đảm bảo cân đối thu-chi ngân sách.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Đồng Nai là một trong hai địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Lĩnh vực quốc phòng-an ninh được củng cố, giữ vững; an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều chuyển biến tích cực.

Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt được kết quả tích cực. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước được nâng lên.

Những thành tựu đáng tự hào của tỉnh Đồng Nai là nền kinh tế của Đồng Nai tiếp tục phát triển ở tất cả các lĩnh vực, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân mỗi năm tăng 8,14%. Quy mô GRDP tính theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt gần 400.000 tỷ đồng (tương đương 17,2 tỷ USD), gấp 1,7 lần so với năm 2015.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển. Sản xuất công nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nâng cao khả năng cạnh tranh và đang chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng Nghị quyết.

Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đặc biệt chú trọng và đạt kết quả khá, hiệu quả sử dụng vốn được nâng lên. Tổng vốn đầu tư được thực hiện trong 5 năm là trên 450.000 tỷ đồng, đạt mục tiêu nghị quyết.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển. Sản xuất nông nghiệp duy trì được sự phát triển tương đối ổn định. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả vượt bậc.

Việc huy động nguồn lực thực hiện chủ yếu từ đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp, một phần nguồn vốn ngân sách đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân. Đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Các lĩnh vực đột phá được tập trung thực hiện. Cụ thể như việc huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng xã hội và dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân được chú trọng, nhất là công trình cấp nước sạch phục vụ dân sinh vùng nông thôn, thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân.

Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo lao động kỹ thuật tay nghề cao có chuyển biến tích cực. Đầu tư phát triển giáo dục mầm non được chú trọng.

Công tác cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan nhà nước được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

- Xin ông cho biết những yếu tố chính giúp Đồng Nai luôn giữ vững là địa phương có mức tăng trưởng cao nhiều năm liền, tỉnh đứng trong nhóm thu hút đầu tư hàng đầu cả nước?

Bí thư Nguyễn Phú Cường: Những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh có nhiều nguyên nhân, trong đó, quan trọng nhất là sự nỗ lực, quyết tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cùng sự cố gắng, nỗ lực, khắc phục hạn chế, khó khăn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; giữ vững đoàn kết, đồng thuận trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tỉnh quan tâm công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; cải thiện nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng trở thành công việc tự giác, thường xuyên, có tác động thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ.

Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định. Đồng thời, tỉnh chủ động cụ thể hóa Nghị quyết thành các chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhất là đề ra biện pháp, giải pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

- Phương hướng phát triển của Đồng Nai trong 5 năm tới, những lĩnh vực đột phá xây dựng tỉnh phát triển toàn diện là gì, thưa ông?

Bí thư Nguyễn Phú Cường: Đồng Nai tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đạt được qua gần 35 năm đổi mới, phát huy lợi thế so sánh và huy động các nguồn lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản.

Tỉnh ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành các khu (tổ hợp) công-nông nghiệp-dịch vụ ở những địa phương có điều kiện, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển tại từng địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh còn khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo hiệu quả.

[Tỉnh Đồng Nai hướng đến thu hút doanh nghiệp FDI công nghệ cao]

Về định hướng không gian phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh quan tâm đầu tư phát triển đối với các địa phương có tiềm năng và lợi thế. Trong đó, xác định Long Thành, Nhơn Trạch và Cẩm Mỹ là những địa phương có tiềm năng và dư địa lớn cần có cơ chế, chính sách đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu thúc đẩy sự phát triển của Đồng Nai, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ-thương mại.

Đồng Nai xác định các trục (tuyến), bao gồm tuyến phía Bắc, tuyến phía Tây, tuyến phía Đông để phát triển và đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: phát triển đô thị; du lịch sinh thái-văn hóa-tâm linh, nghỉ dưỡng chất lượng cao; dịch vụ vui chơi, giải trí. Từ đó, tỉnh tập trung xây dựng các quy hoạch chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh.

Cùng với đó là sự chuẩn bị nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng hoàn thành và đưa vào khai thác. Đồng Nai xác định đây là vùng động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ logistics, bất động sản.

Phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh đó, tỉnh còn nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao.

Đồng Nai phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò nền tảng của văn hóa, xây dựng con người phát triển toàn diện, gia đình ấm no, hạnh phúc; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Tỉnh quan tâm phát triển hệ thống an sinh xã hội, các công trình phúc lợi phục vụ công nhân, người lao động; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực ưu tiên; quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, khoáng sản, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Địa phương tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường, giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc; tổ chức thực hiện tốt việc ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai.

Phát triển kinh tế-xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, dành nguồn lực cho xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm xã hội bình yên và hạnh phúc của người dân.

Đặc biệt, tỉnh phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao chất lượng công tác dân vận, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội cao trong các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh.

Bí thư Đồng Nai: Quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ảnh 2Cầu Đồng Nai. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Đồng Nai cũng tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng; tăng cường tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, tỉnh hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống các cơ quan chính quyền; xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính hiện đại.

Trong 5 năm tới, tỉnh tiếp tục xác định các lĩnh vực đột phá để tập trung phát triển, đó là:

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm người đứng đầu ở các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội.

Tỉnh huy động các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng. Cùng với đó là tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, công nghiệp chế biến sâu nông sản, các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại mà tỉnh có lợi thế, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics. Song song với đó là tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên và trách nhiệm người đứng đầu ở các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội các cấp.

- Xin ông cho biết những nỗ lực của Ban Chấp hành, Bí thư Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025?

Bí thư Nguyễn Phú Cường: Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tập trung triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 thành các chương trình, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng đảng, tổ chức đoàn thể-xã hội và các lĩnh vực đột phá của tỉnh trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nêu cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực cùng toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục