BIDV: Đến năm 2030 trở thành ngân hàng thuộc tốp 100 lớn nhất châu Á

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị BIDV cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, quản trị và khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.
BIDV: Đến năm 2030 trở thành ngân hàng thuộc tốp 100 lớn nhất châu Á ảnh 1Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể BIDV. (Ảnh: An Đông/TTXVN)

Ngày 27/4/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức lễ đón nhận các phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương phát triển hạng Nhì của Lào, Huân chương Sahametrei hạng Moha Sena của Quốc vương Campuchia và kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (26/4/1957-26/4/2022).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương những nỗ lực to lớn, thành tích xuất sắc và đóng góp tích cực của BIDV trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

BIDV luôn tiên phong trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, BIDV đã phát huy vai trò của ngân hàng thương mại lớn, triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vận hành hoạt động thông suốt để cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống...

[BIDV dành 200.000 tỷ đồng, lãi suất 5% cho vay khách hàng cá nhân]

Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trọng tâm, chủ yếu đặt ra đối với BIDV từ nay đến năm 2030 là phải phấn đấu trở thành ngân hàng nằm trong tốp 20 ngân hàng hàng đầu Đông Nam Á, tốp 100 ngân hàng lớn nhất châu Á-Thái Bình Dương.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị BIDV phải tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam; không ngừng đổi mới, hoàn thiện, hướng tới sự phát triển hiệu quả, ổn định và bền vững. BIDV phải hoàn thành chiến lược, kế hoạch trung hạn, hàng năm để phấn đấu đạt được mục tiêu này, mà trước mắt là trở thành định chế tài chính hàng đầu Đông Nam Á.

“BIDV cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, quản trị và khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế. Hiện tại, vốn điều lệ của BIDV là hơn 2 tỷ USD - lớn nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại nhưng vẫn thấp hơn so với các ngân hàng thương mại lớn trong khu vực. Đây là một hạn chế đối với yêu cầu mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh, đảm bảo an toàn theo chuẩn mực quản trị quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực. Do đó, BIDV cần phải tiếp tục tập trung khiển khai thật tốt nhiệm vụ này,” Phó Thủ tướng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng chỉ rõ nhiệm vụ BIDV phải tập trung xử lý trong thời gian tới gồm thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh giai đoạn 2021-2025, đồng hành cùng hệ thống ngân hàng hoàn thành chiến lược ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030; tăng cường năng lực quản trị hệ thống hướng đến thông lệ và nâng cao chất lượng tín dụng; đổi mới và ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính...

Được thành lập ngày 26/4/1957, trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, với các tên gọi và nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển của đất nước: Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (1957-1981); Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (1981-1990); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (1990-2012); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (từ 1/5/2012), BIDV luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Sau 65 năm hoạt động với hơn 27 năm kinh doanh thương mại, đến nay BIDV đã trở thành một định chế tài chính đa sở hữu, hoạt động đa quốc gia, kinh doanh đa năng, đa lĩnh vực, vận hành công khai, minh bạch theo chuẩn mực, thông lệ quản trị quốc tế... BIDV hiện có hệ sinh thái ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán - đầu tư tài chính, mạng lưới rộng khắp với 1.085 chi nhánh, phòng giao dịch trong và ngoài nước, 10 công ty con và các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Nga, Đài Loan (Trung Quốc); hơn 27.000 cán bộ được đào tạo bài bản, dạn dày kinh nghiệm, có nền tảng hơn 15 triệu khách hàng cá nhân, 500.000 khách hàng doanh nghiệp và 2.300 định chế tài chính trên toàn cầu...

BIDV hiện có quy mô tổng tài sản đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng thương mại; vốn điều lệ đạt 50.585 tỷ đồng; vốn Nhà nước được bảo toàn và không ngừng phát triển. Trong 5 năm trở lại đây, BIDV đóng góp ngân sách trên 28.000 tỷ đồng, thuộc nhóm doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam./.

Cũng nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, BIDV đã công bố điều chỉnh nhận diện thương hiệu. Theo đó, ngân hàng vẫn giữ nguyên tên đầy đủ là “Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam,” tên viết tắt là “BIDV”; biểu tượng logo hình thoi được thay thế bằng hình bông mai với ngôi sao 5 cánh chuyển động ở trung tâm. Màu sắc thương hiệu được điều chỉnh với màu xanh ngọc lục bảo làm chủ đạo và màu vàng là màu bổ trợ.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.