Binh biến ở Mali: Tổng thống Boubacar Keita buộc phải từ chức

Phát biểu trên truyền hình sau khi bị các binh sỹ tham gia binh biến ở thủ đô Bamako bắt giữ, Tổng thống Mali Boubacar Keita nêu rõ: "Tôi không muốn vì duy trì quyền lực mà dẫn tới đổ máu."
Binh lính Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sỹ tiến hành, ngày 18/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh lính Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sỹ tiến hành, ngày 18/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/8, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội, chỉ vài giờ sau khi ông bị các binh sỹ tham gia binh biến ở thủ đô Bamako bắt giữ. 

Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống Boubacar Keita nêu rõ: "Tôi không muốn vì duy trì quyền lực mà dẫn tới đổ máu."

Trước đó cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho Tổng thống Keita và các thành viên trong chính phủ của ông, sau khi những người này bị các binh sỹ tham gia binh biến ở thủ đô Bamako bắt giữ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc hối thúc tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các lực lượng vũ trang và an ninh, giảm căng thẳng và duy trì các quyền cơ bản cho người dân Mali.

[Liên hợp quốc yêu cầu trả tự do cho Tổng thống Mali Keita]

Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp trong ngày 19/8 để thảo luận về tình hình Mali theo đề xuất của Pháp và Niger.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cùng Liên minh châu Phi (AU) đã lên án “âm mưu đảo chính” ở Mali sau khi các binh sỹ tham gia binh biến và bắt giữ các lãnh đạo chính trị của nước này.

Trong thông báo, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU - ông Josep Borrell nhấn mạnh: “Liên minh châu Âu lên án âm mưu đảo chính đang diễn ra ở Mali và khước từ toàn bộ thay đổi nào không phù hợp với Hiến pháp. Đây không phải là cách để phản ứng cho cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đã tác động tới Mali trong những tháng qua.”

Ngày 18/8, Cộng đồng các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) lên án vụ binh biến ở Mali, đồng thời thông báo sẽ có một loạt hành động đáp trả, bao gồm cả các lệnh trừng phạt kinh tế. 

Trong thông báo, ECOWAS cho biết các nước thành viên của khối này sẽ đóng cửa biên giới trên bộ và trên không với Mali, cũng như tuyên bố sẽ có lệnh trừng phạt với những ai tham gia vụ binh biến.

Những động thái trên được đưa ra sau khi một thủ lĩnh giấu tên của nhóm binh sỹ tham gia binh biến cho biết “tổng thống và thủ tướng Mali đang bị kiểm soát” sau khi bị “bắt giữ” ở dinh thự của Tổng thống Keita tại thủ đô Bamako.

Cùng ngày, một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Mali cũng xác nhận việc Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse đang bị giam giữ ở căn cứ quân đội tại thị trấn Kati./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.