Bình Định thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo, thu hút du khách

Bình Định sẽ xây dựng và quảng bá thương hiệu nhằm đánh thức tiềm năng du lịch biển đảo, huy động vốn đầu tư để phát triển hạ tầng du lịch.
Bình Định thúc đẩy phát triển du lịch biển đảo, thu hút du khách ảnh 1Bãi biển Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

“Lần đầu tiên kể từ trước đến nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cháy phòng. Điều này cho thấy khách du lịch đã biết đến và trở lại với Bình Định”, ông Nguyễn Minh Đoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định chia sẻ.

Nói đến tiềm năng biển đảo tỉnh Bình Định phải kể đến bờ biển dài trên 130km trải dọc phía Đông của tỉnh với gần một nửa số huyện thành phố giáp biển được thiên nhiên ban tặng vô số những thẳng cảnh và bãi biển tương đối bằng phẳng, cát trắng, nước biển trong xanh, ngập tràn ánh nắng như Quy Nhơn, Gềnh Ráng, Quy Hòa, bãi Dài, đầm Thị Nại, Cù Lao Xanh, Hải Giang, Eo Gió, Vĩnh Hội...

Bán đảo Phương Mai-cầu Thị Nại nằm ngay trong thành phố Quy Nhơn với cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nối liền khu kinh tế Nhơn Hội và núi Phương Mai, nơi bảo tồn hệ sinh thái tương đối phong phú gồm nhiều loại cây, động vật quý hiếm, có đồi trượt cát bãi biển Nhơn Lý…

Với tiềm năng này, Bình Định đã xây dựng và hình thành một số loại hình du lịch biển như du lịch tàu biển; du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp giải trí cuối tuần; du lịch thể thao và khám phá biển đảo tại đảo Nhơn Châu, các đảo ven biển như Hòn Ông Cơ, Hòn Khô, Hòn Đất…

Gặp chị Nguyễn Thị Ngàn, du khách người Hà Nội trên bãi biển Quy Nhơn, chị cho biết, gia đình chị gồm 2 vợ chồng và 2 con xuống sân bay Phù Cát đi tour thẳng tới Gành Đá Đĩa-đầm Ô Loan (Phú Yên), khoảng 16 giờ chiều về đến khách sạn ở Quy Nhơn, sau đó đi ăn các món đặc sản của thành phố và đi tắm biển.

Cảm nhận ngày đầu tiên trong hành trình 3 ngày ở Quy Nhơn khá thú vị, gia đình được ngắm Gành Đá Đĩa nổi tiếng, thưởng thức món ăn ngon và tắm trên bãi biển thanh bình, thơ mộng. Lịch trình 2 ngày tiếp theo gia đình chị sẽ đi tour tại Bình Định gồm đồi cát-Eo Gió, suối nước nóng Hội Vân và chùa Thiên Hưng, thành Hoàng Đế, chùa Thập Tháp, tháp Cánh Tiên. Chị hy vọng chuyến du lịch này sẽ gây được ấn tượng và là kỷ niệm đáng nhớ của gia đình.

Từ tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Bình Định đã xác định sẽ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Theo đó, tỉnh Bình Định đã tạo các cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư vào du lịch.

Hiện nay, tỉnh đang triển khai 32 dự án phát triển du lịch trên địa bàn; trong đó có những dự án lớn như Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội, quy mô 300ha, với tổng vốn đăng ký 4.000 tỷ đồng; khu du lịch VinPearl Quy Nhơn, quy mô trên 656ha, vốn đầu tư trên 3.400 tỷ đồng; khu du lịch Trung Hội, quy mô 106ha, vốn đầu tư 2.270 tỷ đồng.

Mới đây nhất, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý, quy mô 300 ha, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cho biết, du lịch gắn với biển đảo sẽ chiếm một vị trí hết sức quan trọng và được ưu tiên phát triển hướng đến mục tiêu trên 2,5 triệu lượt khách năm 2015 và 8-10 triệu lượt khách đến năm 2020.

Theo ông Nguyễn Minh Đoan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch Bình Định giai đoạn 2016-2020; trong đó tập trung đưa ra các giải pháp chủ yếu.

Đó là nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch; nâng cao chất lượng quy hoạch phục vụ du lịch; tăng cường công tác đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; xây dựng, quảng bá thương hiệu du lịch Bình Định; đẩy mạnh sự phát triển đa dạng sản phẩm du lịch… Đồng thời, tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào ngành du lịch.

Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, hiện nay chất lượng sản phẩm du lịch của tỉnh còn thiếu tính độc đáo, đặc sắc, cơ sở hạ tầng, cơ sở vất chất kỹ thuật du lịch và các dịch vụ khác chưa đầy đủ, vì vậy chưa nâng cao sức chi tiêu của du khách, không kéo dài được thời gian lưu trú và chịu ảnh hưởng lớn tính thời vụ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, hiện tượng thường xuyên “cháy” phòng tại nhiều thời điểm trong năm chưa bao giờ xảy ra là dấu hiệu vui ít, lo nhiều của tỉnh khi chưa kịp thúc đẩy nền kinh tế này phát triển thì đã bị quá tải.

Nguyên nhân theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh là do tiến độ đầu tư xây dựng các dự án du lịch còn chậm, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch chủ yếu đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết; thiếu khu, điểm du lịch quy mô lớn có tầm cỡ quốc tế và các khu vui chơi giải trí nên chưa thu hút được lượng khách du lịch đến Bình Định.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn chưa gắn bó cũng như sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động phát triển du lịch còn hạn chế, điều này dẫn đến sản phẩm du lịch địa phương chưa đạt chất lượng tốt nhất, chưa thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch và tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Chị Nguyễn Thị Xuân Lan, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lữ hành Golden Life cho biết: “Hiện chi phí làm tour của Bình Định, nhất là tour du lịch biển hiện cao hơn các địa phương đang phát triển mạnh về du lịch như Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam). Lấy ví dụ làm tour du lịch lặn biển ngắm san hô, cùng tour này, các đơn vị lữ hành ở Hội An có thể sử dụng 1 xe ôtô, 1 tàu biển đón nhiều lượt khách nhưng ở Bình Định, do chưa có sự liên kết giữa các cơ sở lưu trú để gom tuor nên chúng tôi vẫn phải sử dụng 1 xe, 1 tàu có khi chỉ phục vụ cho một nhóm khách 5-7 người.”

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Định, trong thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy môi trường phát triển du lịch thông qua công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu, giới thiệu rộng rãi tiềm năng du lịch Bình Định với cộng đồng trong và ngoài nước; huy động nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật du lịch; tập trung hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho các nhà dầu tư triển khai dự án.

Tỉnh thực hiện cơ chế sang lọc để chọn những nhà đầu tư lớn có quyết tâm và năng lực thực hiện các dự án du lịch; trong đó ưu tiên thu hút đầu tư các thương hiệu khách sạn nổi tiếng trong và ngoài nước, xây dựng mới tổ hợp khách sạn kết hợp với trung tâm thương mại, kết hợp nghỉ dưỡng và tổ chức hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.