Bình Thuận: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi du lịch

Tỉnh thực hiện hình thức quảng bá phù hợp với xu hướng và tình hình thực tế hiện nay như ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch, quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông.
Bình Thuận: Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi du lịch ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận với Hiệp hội Du lịch tỉnh. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Sáng 24/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết tác động của đợt dịch COVID-19 đối với ngành du lịch Bình Thuận là hết sức nặng nề. Thống kê có khoảng 50.000 lao động của ngành du lịch bị ảnh hưởng, gần 100% cơ sở lưu trú tạm ngưng hoạt động.

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, đa số doanh nghiệp vẫn phải duy trì gần bằng 1/3 (khoảng 20-25%) lao động để trùng tu, bảo dưỡng cơ sở, duy trì nguồn nhân lực và vẫn tiếp tục kết nối với thị trường với mục tiêu có thể mở cửa hoạt động trở lại khi điều kiện cho phép.

Để phục hồi ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, cần tập trung xây dựng khu du lịch an toàn và điểm đến an toàn; kết nối với thị trường trọng điểm.

Yếu tố cơ bản là 100% lao động trong khu du lịch được tiêm đủ vaccine COVID-19; trên 70% người dân trong khu du lịch trọng điểm được tiêm đủ vaccine...

[Bình Thuận: Bảo tồn và phát huy Lễ hội cầu ngư ở vạn Thủy Tú]

Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đề nghị tỉnh Bình Thuận có một số giải pháp hỗ trợ cho ngành du lịch như hạn chế kiểm tra hành chính trong thời điểm hiện nay để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ tiêm vaccine cho toàn bộ lao động ngành du lịch…

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận chia sẻ với những khó khăn của ngành du lịch cũng như doanh nghiệp du lịch trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp du lịch trước tiên cần chấp hành tất cả các yêu cầu chung trong hoạt động của ngành du lịch hiện nay.

Đối với các kiến nghị của ngành du lịch, tỉnh Bình Thuận tiếp thu và sẽ có hướng giải quyết trong từng vấn đề cụ thể, phù hợp trong thời gian tới.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận, để thực hiện tốt mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch,” ngành du lịch đang khẩn trương xây dựng kế hoạch quảng bá, truyền thông phục hồi du lịch và xây dựng điểm đến an toàn trong 3 tháng cuối năm 2021.

Theo kế hoạch, tỉnh thực hiện hình thức quảng bá phù hợp với xu hướng và tình hình thực tế hiện nay như ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch thông qua việc quét mã QR, quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, truyền thông về quy trình đón khách an toàn (bằng video), xây dựng chương trình “du lịch trực tuyến” hướng đến du khách nội địa…

Ngành đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và tập trung triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa gắn truyền thông giới thiệu hình ảnh điểm đến Bình Thuận “An toàn-Thân thiện-Chất lượng.”

Ngoài ra, ngành triển khai thực hiện kế hoạch của tỉnh về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động du lịch ở trạng thái “bình thường mới” để phục hồi ngành Du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục