Bình Thuận khai thác tiềm năng phát triển du lịch Hàm Thuận Nam

Bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh như du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, Hàm Thuận Nam còn có nhiều triển vọng để phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp.
Bình Thuận khai thác tiềm năng phát triển du lịch Hàm Thuận Nam ảnh 1Biển Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Nằm cách thành phố Phan Thiết gần 30km về phía Nam, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh như du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng biển, nơi đây còn có nhiều triển vọng để phát triển du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp.

Khám phá suối nước nóng Bưng Thị

Suối nước nóng Bưng Thị nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, thuộc Tiểu khu 302C, xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam.

Với vẻ đẹp tự nhiên, khí hậu mát mẻ, đặc biệt là giếng nước nóng 85 độ C, suối nước nóng Bưng Thị đang được nhiều người dân và du khách tìm đến trải nghiệm, khám phá vào dịp cuối tuần, đặc biệt là những ngày nghỉ lễ.

Ông Võ Hữu Phương, Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, cho biết suối nước nóng khu vực Bưng Thị được tìm thấy từ rất lâu. Đây là dòng suối tự nhiên từ lòng đất, chảy thành suối. Ngoài suối nước nóng, nơi đây còn có một suối nước lạnh chảy quanh năm. Xung quanh còn có rừng nguyên sinh xanh tốt với hệ sinh thái động thực vật hết sức phong phú. Nơi đây đang có tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển du lịch sinh thái.

Bình Thuận khai thác tiềm năng phát triển du lịch Hàm Thuận Nam ảnh 2Tắm suối. (Nguồn: Báo Bình Thuận)

Vì nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu nên để đến được suối nước nóng Bưng Thị, du khách phải đi qua một con đường đất dài khoảng 7km.

Đường vào Bưng Thị hiện nay dễ đi hơn so với trước đây bởi đường giao thông đã được đầu tư xây dựng. Dọc hai bên đường là những hàng cây xanh mát rượi. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những cây gai dại mọc trên triền cát trắng, dưới chân là thảm cỏ vàng, cảnh tượng như ở vùng hoang mạc. Du khách khi đến đây như được hòa quyện vào thiên nhiên hoang dã, hít thở không khí trong lành.

Điều thích vị hơn là giếng nước nóng nằm giữa đại ngàn, nhiệt độ luôn duy trì ở mức 85 độ C. Giếng nước này được một đoàn khảo sát địa chất khoan từ năm 1997 để nghiên cứu và tồn tại đến nay.

Tại đây du khách có thể tận mắt thấy một giếng nước nóng tự nhiên, tự tay thả những quả trứng xuống và chờ đợi thưởng thức trong sự thích thú, tò mò.

Ngay cạnh đó, một hồ nước nhỏ được xây và chứa nước nóng để khách có thể tắm, ngâm mình thư giãn.

Cách đó không xa, một khe suối nước lạnh trong vắt, có thể nhìn thấy rõ mọi thứ dưới đáy. Dòng nước len lỏi qua những gốc cây và chảy về một con suối lớn hơn. Con suối này chính là nơi tồn tại 2 nguồn nước nóng và lạnh.

Du khách Nguyễn Thị Phượng Lựu (đến từ Tây Ninh) cho biết qua giới thiệu, mình cùng bạn bè tìm đến đây. Điều thú vị nhất là mình mang trứng theo, thả ngay tại giếng nước nóng, ăn liền tại chỗ rất ngon. Thêm vào đó, không khí ở đây rất trong lành, mát mẻ.

Du khách Lê Thị Kim Thoa (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) chia sẻ là người dân địa phương, quá quen thuộc với các dịch vụ du lịch biển nên cuối tuần, tôi cùng bạn bè muốn đi dã ngoại, tìm kiếm những trải nghiệm mới, vì thế chúng tôi tìm đến suối nước nóng Bưng Thị. Nơi này khá hoang sơ, yên tĩnh, như được hòa mình vào thiên nhiên. Nếu được đầu tư, có thêm nhiều tiện ích, dịch vụ thì nơi này sẽ trở thành điểm đến lý tưởng hơn.

[Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của tỉnh Bình Thuận]

Theo ông Võ Hữu Phương, Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, hiện nay khu vực suối nước nóng Bưng Thị chưa được khai thác vào phục vụ du lịch nhưng để đáp ứng nhu cầu khám phá, vui chơi của người dân địa phương và các vùng lân cận,

Ban quản lý đã bố trí Trạm bảo vệ rừng suối nước nóng Bưng Thị với lực lượng thường trực hướng dẫn người dân tuân thủ các nội quy theo quy định, cách sử dụng lửa… khi tham quan khu vực này để đảm bảo an toàn, phòng chống cháy rừng.

Ban quản lý đang phối hợp với các cơ quan liên quân xây dựng Đề án phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu đến năm 2030, trong đó có đề xuất khai thác phát triển du lịch ở khu vực suối nước nóng Bưng Thị.

Nếu được phê duyệt, suối nước nóng Bưng Thị sẽ trở thành khu du lịch được nhiều người biết đến hơn, ông Phương cho biết thêm.

Tiềm năng phát triển du lịch nhà vườn

Toàn huyện Hàm Thuận Nam hiện có gần 15.000ha trồng thanh long. Không chỉ sản xuất trái thanh long, địa phương còn có nhiều trang trại sản xuất, chế biến các sản phẩm bánh kẹo, nước ép, rượu vang… chế biến từ trái thanh long.

Đây là tiềm năng để địa phương phát triển loại hình du lịch nhà vườn, du lịch nông nghiệp, hướng tới đa dạng hóa các loại hình du lịch.

Thời gian qua, huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận tổ chức xây dựng hai mô hình tham quan du lịch vườn thanh long. Bước đầu những mô hình này nhận được phản hồi tốt của du khách.

Điểm tham quan du lịch vườn trái cây Sáu Trúc, ở thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh là một điển hình.

Bình Thuận khai thác tiềm năng phát triển du lịch Hàm Thuận Nam ảnh 3Du khách thích thú khi tự tay hái sản phẩm nông nghiệp tại điểm du lịch nông nghiệp Sáu Trúc, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Xuất phát từ ý tưởng tạo sân chơi cho bạn bè, người thân vào dịp cuối tuần, ông Nguyễn Thanh Trúc (chủ vườn) đã cải tạo mảnh vườn rộng 4 ha thành một vườn cây ăn trái với đủ loại gồm: thanh long, bưởi, dừa, mít, xoài… Bạn bè, du khách tìm đến ngày càng đông, ông Trúc mới nảy sinh ý tưởng làm du lịch. Từ đó gia đình ông đầu tư thêm các dịch vụ câu cá giải trí, cải tạo hồ sen, tạo các tiểu cảnh mang nét thôn quê để khách chụp ảnh…

Khi đến đây, du khách sẽ được chính chủ vườn hướng dẫn một ngày làm nông dân, trải nghiệm cách chăm sóc vườn thanh long, cách hái trái, tỉa cành hay khám phá vườn bưởi da xanh trĩu quả, hơn hết là có thể thưởng thức những loại trái cây theo mùa ngay tại vườn.

Ông Nguyễn Thanh Trúc cho biết: Sau hơn một năm đi vào hoạt động, du khách đến nhiều và nhận được phản hồi khá tốt, nhất là khách đến từ các thành phố. Họ thích thú với cảnh vườn cây mát mẻ, hái trái… Việc tham gia phục vụ khách du lịch không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần quảng bá nông nghiệp thế mạnh của địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thoa (đến từ thành phố Phan Thiết, Bình Thuận) cảm nhận: Lần đầu tiên được tham quan mô hình nhà vườn, ấn tượng đầu tiên là chủ vườn rất hiếu khách và thân thiện. Cảm giác được vào vườn trải nghiệm, hái trái trong vườn đem về làm quà cho người thân tôi cảm thấy rất thích thú.

Loại hình tham quan vườn thanh long đang mở ra một hướng đi mới, không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, góp phần phát triển ngành du lịch của địa phương mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá nông sản huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung.

Hy vọng trong tương lai gần, với việc kết nối các hoạt động du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng biển và du lịch nhà vườn, huyện Hàm Thuận Nam sẽ tạo nên một “tour” du lịch đặc trưng, thu hút du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.