Đến với Phan Thiết (Bình Thuận), khách thập phương có thể tới thăm Dinh Vạn Thủy Tú trên đường Ngư Ông. Đây là 1 trong 13 dinh làng chài của 15 huyện tại Phan Thiết, song trở nên đặc sắc vì từng là nơi lụy bờ (chết trên bờ biển) của nhiều cá voi (hay còn gọi là cá ông).
Tại Vạn Thủy Tú còn trưng bày một “ông” có kích thước dài 22 mét, nặng tới 65 tấn. Bộ xương này giữ kỷ lục bộ cốt cá voi lớn nhất Việt Nam, thậm chí còn được coi là lớn nhất Đông Nam Á.
Ngư dân Phan Thiết luôn rất hào hứng khi giới thiệu về tín ngưỡng thờ cá ông. Họ tin rằng cá ông chính là thần Nam Hải - vị thần phù trợ cho dân biển cuộc sống an lành, ấm no. Bởi vậy, họ có những hình thức mai táng, chôn cất rất chu đáo và trang trọng.
Theo các ngư dân, nếu gặp cá ông nhỏ lụy bờ, họ sẽ rửa sạch cho “ông” bằng rượu rồi phơi dưới nắng lớn nhiều ngày để giảm mùi hôi, sau đó đem cá ông chôn trong Ngọc Lân Thánh Địa và dựng bia đá khắc tên theo phân loại cá ông của ngư dân...
Cá ông lớn khi qua đời thì lại được chôn cất ngoài biển để tránh gây ô nhiễm trong đất liền. Nhưng dù chôn cất ở đâu, ngư dân đều rất trang trọng thắp hương, cúng vái cho cá ông rồi khâm liệm bằng vải đỏ để thể hiện lòng tôn kính.
Sau nhiều năm, khi xác cá ông chỉ còn xương, người dân tiếp tục đưa bộ cốt vào trong tẩm để thờ, tế chung. Trải qua gần 260 năm tồn tại kể từ khi xây dựng năm 1762, Dinh Vạn Thủy Tú là nơi lưu giữ bộ cốt của hơn 100 cá ông lớn nhỏ, chứa đựng các giá trị tín ngưỡng văn hóa đặc sắc.
Đại diện Ban quản lý tại Dinh Vạn Thủy Tú cho biết ngày nay ngư dân bám biển đã giảm nhiều, chỉ còn 30-40% so với trước đây. Thế nhưng, các lễ hội như Lễ tế Xuân, Lễ cầu ngư đầu mùa và Lễ cầu ngư chính mùa vẫn luôn thu hút được sự quan tâm và tham gia của người dân.
Xem video giới thiệu về Dinh Vạn Thủy Tú - nơi thờ cá ông của người Bình Thuận: