Bloomberg: Tính đến năm 2026, kinh tế Nga có thể mất 190 tỷ USD

Theo Bloomberg Economics, mặc dù nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ nhưng sẽ vẫn chịu áp lực và giảm 8% vào năm 2026 so với mức nếu cuộc xung đột ở Ukraine không xảy ra.
Bloomberg: Tính đến năm 2026, kinh tế Nga có thể mất 190 tỷ USD ảnh 1Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bloomberg ngày 17/2 cho rằng Liên bang Nga đã tránh được sự sụp đổ của nền kinh tế nước này, song Moskva có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chậm hơn.

Bloomberg ước tính đến năm 2026, nền kinh tế Nga có thể mất khoảng 190 tỷ USD.

Theo Bloomberg Economics, mặc dù nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ nhưng sẽ vẫn chịu áp lực và giảm 8% vào năm 2026 so với mức nếu cuộc xung đột ở Ukraine không xảy ra.

Trước đó, chuyên gia Jack Wittels của Bloomberg đã viết rằng việc Liên minh châu Âu (EU) thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga mang lại rủi ro cho các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế các nước châu Âu và có thể làm suy yếu hoạt động của chúng.

Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt luôn tác động đến cả hai bên, nhưng bên nào áp dụng chúng sẽ phải chịu nhiều thiệt hại hơn.

Trong khi đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã duy trì dự báo phát triển của kinh tế Nga trong năm 2023, theo đó kinh tế Nga sẽ suy thoái 3%.

Các chuyên gia EBRD lưu ý rằng động lực GDP của Nga năm 2022 tốt hơn dự kiến, một phần là do giá năng lượng cao làm giảm tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt.

Năm nay, việc bán dầu và khí đốt sẽ không thể mang lại số tiền tương tự cho ngân sách Nga, vì vậy không thể tránh khỏi sự sụt giảm mới.

[Báo Mỹ: Ngoại thương của Nga phần lớn quay trở lại mức trước xung đột]

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 9/2 cho rằng kinh tế nước này đã vượt qua được những tác động tồi tệ nhất của các lệnh trừng phạt và sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay.

Theo Tổng thống Nga, nước này đã đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa đối với nền kinh tế và trong một số lĩnh vực sản xuất nhất định.

Tình hình kinh tế Nga đã có sự thay đổi lớn sau khi nổ ra xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022, khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến các ngân hàng lớn nhất bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, việc tiếp cận công nghệ và khả năng xuất khẩu bị hạn chế.

Trong khi Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận có những khó khăn, nền kinh tế nước này được cho là vẫn vững và các biện pháp trừng phạt đã tác động ngược trở lại đối với phương Tây, khi khiến lạm phát và giá năng lượng tăng.

Kinh tế Nga trong năm 2022 không tăng trưởng âm đến mức 2 con số như những dự báo ban đầu nhưng các nhà phân tích nhận định sẽ giảm 2% trong năm 2023, sau khi ước giảm 2,5% trong năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.