Bộ Công Thương: Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc khởi sắc trở lại

Thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 35 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 12,7 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Bộ Công Thương: Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc khởi sắc trở lại ảnh 1Phương tiện chuẩn bị xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc có kết quả tích cực nên nhu cầu hàng hóa được dự báo sẽ dần tăng trở lại trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 35 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 12,7 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam với thị phần chiếm 15,7% tổng kim ngạch của cả nước (sau thị trường Hoa Kỳ với thị phần 24,9%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 22,38 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất khi chiếm thị phần 28,7% kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Sau 4 tháng, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc giảm xuống mức 9,68 tỷ USD so với con số hơn 12 tỷ USD của 4 tháng đầu năm 2019 (giảm gần 2,7 tỷ USD).

Việc mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc giúp gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều.

Bên cạnh đó, trong khi dịch COVID-19 khiến các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại thì kết nối trực tuyến là phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngày 21/4/2020, lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Tây). Hội nghị có sự kết nối và tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, trong đó có 35 doanh nghiệp Việt Nam.

[Đề nghị cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ ở Lạng Sơn, Quảng Ninh]

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho phép khôi phục lại hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép mở lại các cửa khẩu phụ Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa, Pò Nhùng (tỉnh Lạng Sơn); cửa khẩu phụ Bắc Phong Sinh và lối mở Ka Long (tỉnh Quảng Ninh).

Đối với các cửa khẩu phụ, lối mở khác trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc, Thủ tướng cũng cho phép Ủy ban Nhân dân các tỉnh biên giới căn cứ tình hình thực tế của địa phương, cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tối đa việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 để chủ động mở lại các cửa khẩu phụ, lối mở trên địa bàn theo các nguyên tắc các cửa khẩu phụ, lối mở đã đáp ứng đủ quy định của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, Nghị định số 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.

Việc mở lại các cửa khẩu này đã, đang và sẽ giúp thương mại Việt Nam-Trung Quốc khởi sắc hơn trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.