Bộ Công Thương phát động Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống phân phối một cách ổn định và bền vững.
Bộ Công Thương phát động Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền ảnh 1Hệ thống Siêu thị Winmart rộng khắp với lượng hàng thực phẩm đa dạng, đảm bảo an toàn thực phẩm. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chiều 8/12, tại Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long, Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ khai mạc và phát động Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền.

Đây là một sự kiện nổi bật trong chuỗi hoạt động thuộc Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, tiếp nối thành công những năm qua, Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm ngành Công Thương năm 2022 được thực hiện với thông điệp Kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.

Được triển khai trên quy mô toàn quốc, Chương trình có sự phối hợp, tham gia của các bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể Trung ương; Ủy ban Nhân dân, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Cùng đó, các đơn vị cung ứng giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tạo nên một mặt trận thống nhất, truyền đi thông điệp rộng khắp, có sức lôi cuốn đến từng địa bàn khu dân cư trên 63 tỉnh, thành phố.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn.

Hơn nữa, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối hiện đại có quy mô rộng khắp trên cả nước như hệ thống BigC &Go, hệ thống chuỗi siêu thị Co.op, hoặc hệ thống siêu thị MM Mega Market…

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình bình ổn thị trường, cả nước cũng có khoảng 20.000 điểm bán bình ổn thị trường. Các địa điểm này là địa chỉ tin cậy về hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả ổn định cho người tiêu dùng và cũng là đối tác quan trọng của các nhà sản xuất.

[Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc]

Bà Lê Việt Nga cho biết Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển hệ thống phân phối một cách ổn định và bền vững.

Để các chương trình, kế hoạch được triển khai hiệu quả, Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ và đồng hành của các bộ, ngành, đơn vị liên quan, nhất là của doanh nghiệp phân phối, kinh doanh thực phẩm như của Tập đoàn Central Retail và hệ thống siêu thị BigC Go.

Đại diện Central Retail-BigC Thăng Long thông tin, ngoài việc ưu tiên hàng Việt, hiện nay có tới hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống hàng Việt, hệ thống GO/Tops market và BigC cũng đặt trọng tâm trong việc phát triển, đưa vào hệ thống các sản phẩm an toàn vùng miền với nhiều chính sách ưu đãi.

Nổi bật như ưu tiên hỗ trợ không chiết khấu với các hộ kinh doanh là các hợp tác xã, ưu tiên các sản phẩm OCOP, hỗ trợ trưng bày, chăm sóc hàng hóa và các chương trình thúc đẩy bán hàng. Hỗ trợ tư vấn toàn diện để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể gia nhập chương trình "Sinh Kế Cộng đồng."

Được triển khai trên quy mô toàn quốc, Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm có sự phối hợp, tham gia của các bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; các đơn vị cung ứng giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm…

Điểm nhấn đặc biệt của Chương trình năm nay là hoạt động Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền nhằm giới thiệu, kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào các hệ thống phân phối trên toàn quốc.

Cũng tại Lễ khai mạc, đại diện các đơn vị quản lý Nhà nước, hiệp hội ngành hàng và các đơn vị phân phối lớn đã cùng lên sâu khấu thực hiện Nghi thức khai mạc Tuần lễ thực phẩm an toàn vùng miền tại các hệ thống phân phối.

Đại diện các nhà phân phối đã gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ nông dân đưa thực phẩm an toàn vào các hệ thống phân phối.

Trước đó, các đại biểu, người tiêu dùng tham quan, trải nghiệm khu trưng bày thực phẩm an toàn vùng miền, cùng với những hoạt động giao lưu, tương tác trực tiếp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và tham gia sôi nổi vào hoạt động tìm hiểu về thực phẩm an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.