Nhằm phấn đấu đạt bằng và cao hơn các chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đây là thông tin được đưa ra tại “Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022,” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 14/7, tại Hà Nội.
Ba trụ cột đều duy trì tăng trưởng cao
Theo đại diện Bộ Công Thương, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước nửa đầu năm 2022 chịu ảnh hưởng từ thế giới do việc đứt gãy nguồn cung song hàng hóa trong nước, nhất là lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu phục vụ tiêu dùng trong nước luôn được duy trì tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của doanh nghiệp.
[Thị trường hồi phục, doanh nghiệp bán lẻ tăng kích cầu tiêu dùng]
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, qua nửa đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với mức tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, như nhiên liệu và khoáng sản tăng 52,5%; nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng cao ở mức khoảng 17%...
Về sản xuất công nghiệp, giá trị tăng thêm của ngành đạt mức tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%).
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6%; ngành khai khoáng tăng 3,9%.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Về xăng dầu, theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, cùng với việc thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; Nghị định 95/2021/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, liên bộ đã sử dụng công cụ Quỹ bình ổn (BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Liên bộ cũng đã kiến nghị và đề xuất giảm một số loại thuế, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng từ đó giúp giảm giá mặt hàng này.
Ước tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng 34,8%-80% nhưng do sử dụng hiệu quả quỹ BOG và các chính sách về thuế nên giá trong nước chỉ tăng 20,54%-65,44%m vì vậy đã góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Về nguồn cung, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu cũng như nỗ lực để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước luôn được đảm bảo.
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Dự báo thị trường thế giới thời gian tới còn nhiều diễn biến khó lường, vì vậy tại hội nghị bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan sớm trình phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược, Đề án phát triển ngành, lĩnh vực công thương làm cơ sở cho ngành Công Thương Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung xác định định hướng, giải pháp phát triển phù hợp với định hướng chung, đảm bảo tính liên kết vùng, liên vùng.
Cùng đó, Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ có các giải pháp pháp nhằm ổn định nguồn cung, ổn định giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, bố trí nguồn lực, hỗ trợ, mời gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi hình thành Khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistics để phát triển công nghiệp hóa chất ở tỉnh Quảng Ngãi…
- Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2022:
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm nay, trong đó “đòn bẩy” lớn nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.
Đơn vị này cũng huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.
Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi sát diễn biến cung-cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành phù hợp; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Uỷ Ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Các đơn vị trong bộ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
“Cục Xúc tiến thương mại sẽ triển khai chuỗi chương trình tư vấn thị trường xuất nhập khẩu; Chương trình kết nối nhà cung cấp địa phương tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức Xúc tiến thương mại, đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ứng dụng nền tảng số,” ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay./.