Bộ Tài chính: Sẽ rà soát chặt giá tối đa những sản phẩm sữa mới

Lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, việc thay đổi mẫu mã các loại sữa đều phải đăng ký trước với Bộ Y tế và sau đó cơ quan quản lý giá sẽ rà soát.
Bộ Tài chính: Sẽ rà soát chặt giá tối đa những sản phẩm sữa mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá mức kê khai giảm giá của 50 dòng sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là tương đối phù hợp, lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, những sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường sẽ không thể tự ý nâng giá.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus chiều nay (16/4), ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nhắc lại kết quả rà soát nhanh của Bộ Tài chính với 50 sản phẩm sữa sẽ có mức giảm 0,4-4% từ 20/4.

Theo ông, đây là đợt giảm thứ 2 sau khi cơ quan chức năng thực hiện áp giá trần với giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi từ năm ngoái. Qua xác định của cơ quan quản lý, hiện đã có 686 dòng sản phẩm kê khai và giảm giá từ 0,1-34%. Những thông tin cụ thể về đợt giảm giá trên theo ông Tuấn đã được công khai.

Bởi vậy, với đợt giảm giá sắp tới với sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh đây là đợt giảm tiếp theo và có mức điều chỉnh tương đối phù hợp.

Giải thích thêm, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, hiện chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá của các doanh nghiệp sữa chiếm trung bình 10-15%. Tuy nhiên, có những dòng sữa tỷ lệ chi phí cho quảng cáo thực tế chỉ là 0%. Điều này theo ông phụ thuộc vào tình hình kinh doanh sản phẩm trên thị trường và chính sách của từng doanh nghiệp.

Qua đó, theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành phố đang tiếp tục rà soát những sản phẩm thuộc diện phải bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá thành.

Trả lời cho lo lắng về “mánh” lách luật bằng cách cho ra đời những sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi mới với giá cao vì lý do thay đổi công thức, lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, việc thay đổi mẫu mã, phân loại đều phải đăng ký trước với cơ quan chuyên môn của ngành y tế và sau đó cơ quan quản lý giá sẽ rà soát.

“Những dòng sản phẩm mới ra thị trường đều phải xác định giá tối đa để cơ quan quản lý nắm bắt, rà soát chặt và công khai,” ông Nguyễn Anh Tuấn nói./.

5 công ty trong diện phải kê khai lại giá tại Bộ Tài chính là: MeadJohnson Nutrition Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, Nestle Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Dinh Dưỡng 3A và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiên Tiến.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.