Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp các vụ ngộ độc rượu xảy ra ở nhiều nơi. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của rượu cồn đối với sức khỏe con người.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành chỉ thị số 02 về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành ngày 14/3/2017.
Sau 2 tuần triển khai, các địa phương đã kiểm tra 966 vụ, xử lý 491 vụ, phạt tiền gần 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 734 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 40.176 lít rượu, 1.431 chai rượu các loại, 2 can, 17 bình rượu, 2 chum rượu ngâm 67 kg, 4,9 kg men rượu và 59 vỏ chai rượu.
Để hiểu rõ hơn về việc triển khai chỉ thị 02, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có một số trao đổi với phóng viên về việc kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu tự nấu.
- Xin Bộ trưởng cho biết, việc kiểm soát của các cơ quan chức năng đối với mặt hàng rượu như thế nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Rượu là mặt hàng cần quản lý chặt và hạn chế kinh doanh, chính vì thế thời gian qua, nhà nước đã xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Nghị định quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với mặt hàng đặc biệt này.
Các mặt hàng rượu được phân chia cụ thể như: các cơ sở sản xuất rượu dưới hình thức thủ công hoặc công nghiệp nhưng để phục vụ mục đích tái chế biến để làm các loại rượu tiêu thụ cho người dân.
Thứ hai là rượu có đăng ký với những nhãn mác và sản phẩm cụ thể và hình thành các sản phẩm rượu cuối cùng phục vụ cho thị trường và cuối cùng là rượu người dân tự nấu, tự tiêu thụ không có nhãn mác, không có đăng ký và không chịu bất kỳ hình thức quản lý kinh doanh nào cả.
Trên thực tế, hai loại rượu ban đầu đã có sự quản lý tương đối tốt trong thời gian vừa qua về cả mức độ sản xuất và tiêu thụ trên thị trường, nhưng rượu tự nấu và không nhãn mác là một thực tế và đang tồn tại do được hình thành từ những thói quen, tập quán của một số nơi, quy mô của loại rượu này nhỏ và rất khó để quản lý chặt chẽ, hiệu quả.
Nhưng từ đây cũng thấy rõ là rượu tự nấu và không nhãn mác có nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và thậm chí còn liên quan đến tính mạng của người dân cũng như liên quan đến chất lượng các loại rượu có chứa methanol.
- Vậy phải chăng chúng ta vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý đối với mặt hàng rượu tự nấu này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trên thực tế có sự buông lỏng trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, chấp hành pháp luật cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này và đặc biệt là thể hiện rất rõ trong khâu chấp hành pháp luật ở địa phương.
Cần nhấn mạnh, khi chính sách và các khuôn khổ pháp lý được xây dựng và hoàn thiện thì rõ ràng những chủ thể trong các khuôn khổ này ở các địa bàn thực tế địa phương và cơ quan kiểm tra cũng phải là chính quyền địa phương các cấp.
Tuy vậy, với địa hình phân tán và những khu vực còn nhiều khó khăn cả về đời sống kinh tế cũng như nhận thức xã hội của người dân thì sự buông lỏng của các cơ quan quản lý đã dẫn đến nguy cơ và dẫn đến sự mất an toàn hoặc ngộ độc rượu.
- Thực hiện công điện của Thủ tướng thì Bộ Công Thương đã làm gì để quản lý tốt hơn đối với các loại hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại như methanol?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đối với quản lý cồn công nghiệp, methanol và các loại hóa chất, Bộ Công Thương đã rà soát lại các khuôn khổ pháp lý và đánh giá lại thực tiễn trong thời gian vừa qua, cả về hiện trạng, thực tế và đặc biệt là những tồn tại bất cập và còn yếu kém trong công tác quản lý các loại hóa chất này.
Bên cạnh đó, các đơn vị của Bộ sẽ kiểm tra lại quá trình từ nhập khẩu, khai báo hải quan cho đến việc quản lý các loại cồn công nghiệp đó theo quy định của luật hóa chất và các nghị định hướng dẫn và trong đó có danh mục các loại hóa chất độc hại và hóa chất cần phải quản lý.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động chỉ đạo và phối hợp cùng chính quyền của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng chương trình công tác mang tính trọng điểm qua đó có thể tăng cường quản lý An toàn thực phẩm cũng như tăng cường quản lý các loại phụ gia và hóa chất có nguy cơ bị lợi dụng trong thực phẩm để đảm bảo yêu cầu về quản lý nhà nước. Đây sẽ là chương trình trọng điểm năm 2017 để tạo ra những chuyển biến căn bản tại những trung tâm kinh tế và xã hội lớn của đất nước.
- Còn trong lĩnh vực rượu tự nấu, Bộ Công Thương đã đưa ra những biện pháp quản lý cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Những hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định bằng những khung hình phạt, hình thức xử lý cụ thể trong các văn bản quy phạm như: Luật An toàn thực phẩm, luật hóa chất...
Nhưng trên thực tế nguy cơ quá lớn và rất nghiêm trọng thậm chí nguy hại đến tính mạng của con người, như vậy nếu xét những hình phạt đã được quy định trong các bộ luật trên đã không còn phủ hợp và đủ sức răn đe và tạo ra hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước nhất là thông qua biện pháp chế tài.
Chính vì vậy Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để đề xuất với Chính phủ nhằm điều chỉnh và bổ sung các khuôn khổ pháp lý đó, đặc biệt là những hành vi mà có mức độ nghiêm trọng, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bất kể trong lĩnh vực gì thì vẫn phải có những hình phạt, răn đe nghiêm khắc và có hiệu quả hơn nữa.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.