Bộ trưởng Đức: Ukraine vẫn là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư

Khoảng 2.000 công ty có vốn của Đức đã hoạt động tại Ukraine trước thời điểm xảy ra cuộc xung đột với Nga và tới nay, “hầu như không có doanh nghiệp nào ngừng hoạt động hoàn toàn ở Ukraine.”

Thu hoạch ngũ cốc trên cánh đồng gần làng Kivshovata, vùng Kiev, (Ukraine), tháng 7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thu hoạch ngũ cốc trên cánh đồng gần làng Kivshovata, vùng Kiev, (Ukraine), tháng 7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức Svenja Schulze ngày 4/5 nhận định Ukraine vẫn là thị trường hấp dẫn đối với nhiều công ty, bất chấp tình hình khó khăn hiện nay.

Bộ trưởng Schulze giải thích rằng vẫn có thể thực hiện quy trình sản xuất ở phần lớn các khu vực của Ukraine và việc quốc gia Đông Âu trở thành ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU) là lợi thế “lâu dài” cho các doanh nghiệp.

Bà Schulze dẫn số liệu từ Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức-Ukraine cho thấy khoảng 2.000 công ty có vốn của Đức đã hoạt động tại quốc gia Đông Âu trước thời điểm xảy ra cuộc xung đột với Nga và tới nay, “hầu như không có doanh nghiệp nào ngừng hoạt động hoàn toàn ở Ukraine.”

Tuy nhiên, Bộ trưởng Schulze lưu ý khu vực tư nhân của Ukraine cần có môi trường đầu tư tích cực và địa vị chắc chắn về mặt pháp lý. Berlin ủng hộ Kiev trên con đường cải cách, đặc biệt là trong quá trình gia nhập EU.

Quan chức Đức cũng nêu bật vai trò quan trọng của các nỗ lực phòng, chống tham nhũng đối với Ukraine.

Bà đề cập đến báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế ghi nhận tiến bộ của quốc gia Đông Âu trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Schulze đánh giá đây là tín hiệu đầy tích cực cho nền kinh tế Ukraine.

Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức đã tổ chức Diễn đàn Tái thiết Ukraine nhằm tìm cách thu hút khu vực tư nhân, giới học thuật và các chính quyền đô thị ở Đức đóng góp vào công cuộc tái thiết Ukraine.

Đến nay, đã có hơn 600 tổ chức đăng ký trên nền tảng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.