Bộ trưởng GTVT: ''Hạ tầng tốt thì an toàn giao thông được nâng cao''

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá Tổng cục Đường bộ đã làm rất tốt công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa đường xá nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Thi công thảm nhựa tuyến Quốc lộ 1. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Cùng với việc huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, duy tu các tuyến Quốc lộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: “Đường bộ phải phát triển thì mọi nhà đi lại mới thuận lợi. Hạ tầng tốt thì an toàn giao thông được nâng cao.”

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào sáng 26/12, theo Bộ trưởng Thể, tai nạn giao thông trong năm 2019 đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, điều này chứng tỏ công tác quản lý hạ tầng điểm đen và xử lý nghiêm hành vi vi phạm liên quan đến lái xe sử dụng rượu bia.

Nhìn nhận Tổng cục Đường bộ là đơn vị quản lý tài sản lớn với gần 25.000km đường Quốc lộ, ông Thể cho rằng, Tổng cục đã làm rất tốt công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa đường xá nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên, vị Tư lệnh ngành giao thông thừa nhận, hiện còn nhiều tuyến đường láng nhựa, mặt đá nếu để kéo dài sẽ gây bức xúc vì không đủ kinh phí nâng cấp. Đơn cử như Quốc lộ 1 đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh-Cà Mau có rất nhiều mặt đường cần “vá,” thế nhưng nguồn tiền không đủ để duy tu được nhưng chỉ cần xử lý cơ bản là thảm lại mặt nhựa.

[Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình về giải ngân vốn đầu tư chậm]

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Vụ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu nguồn vốn đầu tư trung hạn 2021-2025 để duy tu, bảo dưỡng các tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh trong thời gian tới và có giải pháp căn cơ.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng lưu ý Tổng cục Đường bộ phải duy trì tình trạng an toàn giao thông tốt hơn bởi đường sá thay đổi sẽ kéo theo biển báo, giờ giảm tốc nên cần xử lý ngay.

Đưa ra bài học những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên Quốc lộ 5 trong năm vừa qua liên quan đến công tác bảo trì quản lý đường bộ, biển báo an toàn giao thông, Bộ trưởng Thể quả quyết: “Nếu không làm tốt thì trong các vụ án có liên quan đến tai nạn giao thông, Tổng cục sẽ phải trả lời về trách nhiệm của mình.”

Theo ông Thể, 90% tai nạn giao thông liên quan đến đường bộ, do đó nếu làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa đường; xóa các điểm đen về tai nạn giao thông; đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, xây dựng cơ sở dữ liệu mới để quản lý lái xe… tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm sâu.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, năm 2019, tổng kinh phí kế hoạch bảo trì là 12.683 tỷ đồng, trong đó kinh phí đã được phê duyệt 12.108 tỷ đồng. Hiện nay, Tổng cục đã trình Quỹ bảo trì đường bộ điều hòa, điều chỉnh dự toán chi 9.354 tỷ đồng để phù hợp thực tế và sử dụng hiệu quả. Đến nay, kết quả giải ngân đạt xấp xỉ 97%, dự kiến hết 31/1/2020 sẽ giải ngân xấp xỉ 99%.

“Công tác bảo trì từ năm 2019 trở đi tổ chức đấu thầu qua mạng 100% số dự án, gói thầu để tăng tính cạnh tranh và minh bạch. Các đơn vị đã tiến hành thực hiện các công tác bảo dưỡng thường xuyên, vá sửa mặt đường, bảo dưỡng hệ thông thoát nước, đếm xe, kiểm tra xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn đường bộ, tổ chức tuần đường phát hiện và xử lý các bất cập trên đường đồng thời triển khai các giải pháp kỹ thuật để tăng cường chất lượng sửa chữa, nhất là vá sửa mặt đường; đẩy mạnh cào bóc tái chế…,” ông Huyện nhấn mạnh./.

Trong năm 2019, Tổng khối lượng sửa chữa tập trung trên 6,35 triệu m2 (tương đương hơn 908km đường cấp 3); 299 cầu; 322 điểm đen mất an toàn giao thông và rất nhiều hạng mục khác.

Tổng cục Đường bộ đã xử lý 91 điểm đen, 161 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; sơn kẻ 1.228km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 2.014 cụm biển báo; sửa chữa bổ sung 164km hộ lan phòng hộ; xây dựng 12 đường cứu nạn, hốc cứu nạn góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên cả nước.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục