Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải cung cấp thông tin về nguồn cung hàng hóa

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành là phải cung cấp được thông tin nguồn cung hàng hóa với số lượng, chất lượng đảm bảo, để các hệ thống phân phối có thể nhanh chóng biết và kết nối.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải cung cấp thông tin về nguồn cung hàng hóa ảnh 1Nguồn cung hàng hóa luôn đảm bảo để phục vụ người dân mua sắm trong thời gian giãn cách. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của các Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 3/8, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành là phải cung cấp được thông tin nguồn cung hàng hóa với số lượng, chất lượng đảm bảo, để các hệ thống phân phối có thể nhanh chóng biết và kết nối.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị việc tháo gỡ khó khăn cần tập trung vào ngành hàng lớn, chủ lực, làm hình mẫu để các địa phương, đặc biệt là Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy làm kinh nghiệm để tham mưu, chỉ đạo.

Các địa phương bị áp lực trong phòng chống dịch COVID-19 nên siết chặt kiểm soát. Các đơn vị cần làm việc trực tiếp với địa phương với những việc thuộc thẩm quyền để tháo gỡ, giải quyết ngay khó khăn, giảm tình trạng trình các cấp làm mất nhiều thời gian. Cùng với đó là cần phát huy tốt vai trò của các hiệp hội ngành hàng để cùng chia sẻ khó khăn, phát huy chuỗi sản xuất.

[Hà Nội chủ động điều tiết, kết nối cung ứng hàng hóa-thực phẩm]

Để duy trì sản xuất, đảm bảo kế hoạch, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các đơn vị phải chuẩn bị cây, con giống để tránh đứt gãy sản xuất vụ sau.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ ở phía Nam - cho biết lượng lương thực, thực phẩm vào Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo đủ, sản xuất ổn định nhưng lưu thông còn khó khăn.

Tổ công tác phía Nam đã tổng hợp khoảng 580 đầu mối cung cấp nông sản. Việc lưu thông hàng hóa đã có sự thông thoáng hơn so với trước, nhưng vẫn gặp khó chủ yếu là cấp xã, thôn.

Vừa qua, nhiều đơn vị sản xuất không đảm bảo “3 tại chỗ” nên có sự lây nhiễm, đặc biệt một số doanh nghiệp dấu dịch nên địa phương mới phải yêu cầu dừng hoạt động.

Các doanh nghiệp thủy sản chỉ có 30% là hoạt động, nhưng công suất cũng chỉ đạt từ 30-40%.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải cung cấp thông tin về nguồn cung hàng hóa ảnh 2Thực hiện giãn cách trong khu vực chế biến thủy sản của một công ty tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Hiện nay, việc triển khai tiêm phòng vaccine cho công nhân ở các doanh nghiệp chưa đồng đều. Có doanh nghiệp có hàng nghìn công nhân nhưng mới chỉ được tiêm 1/4 lao động. Đề nghị các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho các nhà máy chế biến thủy sản để tránh ảnh hưởng chuỗi cung ứng.

Để đảm bảo cho khôi phục sản xuất, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng phải đảm bảo được nguồn giống cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải phá bỏ gà giống, chuyển trứng giống thành trứng thương phẩm.

Các đơn vị cần có phương án chuẩn bị nguồn con giống, tránh tình trạng 1 hoặc 2 tháng tới có nguy cơ thiếu giống, tăng giá thì người dân khó tiếp cận.

Về vấn đề đảm bảo con giống cho sản xuất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị như chăn nuôi, thủy sản phải nắm chắc các đơn vị cung cấp giống, khả năng sản xuất, cung ứng để khi có vấn đề phát sinh có thể liên hệ, điều chuyển ngay.

Tại phía Bắc, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhìn chung, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tới nay vẫn ổn định, các quận/huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối: siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi... dồi dào, giá cả ổn định.

Bộ và thành phố Hà Nội thống nhất đầu mối phối hợp để xây dựng các phương án cụ thể về sản xuất, vận chuyển, phân phối và thành lập Sở chỉ huy từ thành phố đến các quận, huyện nhằm chỉ đạo thông suốt, kịp thời.

Sở chỉ huy của thành phố sẽ cập nhật thường xuyên thông tin, tình hình với Tổ công tác của Bộ để phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc.

Về phân phối, các sở, ngành của Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn để chủ động kết nối, nắm bắt danh sách các hợp tác xã thu mua, cung ứng nông sản các tỉnh phía Bắc để đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối không bị đứt gãy.

“Trong tình huống xấu nhất, Bộ sẽ huy động các trường thuộc Bộ tham gia làm địa điểm cách ly, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp sẽ làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nếu các chợ đầu mối bị dừng hoạt động,” ông Nguyễn Quốc Toản cho biết.

Qua làm việc của Tổ công tác phía Bắc với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), công ty cam kết đảm bảo được nguồn cung, chuỗi sản xuất, chế biến rau củ quả tại các vùng nguyên liệu trên phạm vi phía Bắc và phía Nam.

Công ty sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và cam kết cung cấp đầy đủ rau quả tươi, rau củ chế biến với giá hợp lý, chất lượng cao, không để xảy ra khan hiếm cục bộ lương thực, thực phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho biết thời gian tới, Tổ công tác phía Bắc sẽ tiếp tục làm việc trực tuyến với một số hiệp hội, doanh nghiệp lớn về cung ứng nông sản, thực phẩm như Công ty Dabaco, C.P. Việt Nam... về cung ứng thực phẩm thịt, trứng cho khu vực phía Bắc.

Tổ công tác cũng sẽ làm việc trực tuyến với một số địa phương trọng điểm sản xuất cung ứng nông sản, thủy sản như Hải Dương, Bắc Giang, Thanh Hóa. Đặc biệt là làm việc về nắm bắt tình hình lưu thông hàng hóa nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, Lào Cai và Quảng Ninh.

Bên cạnh việc duy trì sản xuất tốt, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu lĩnh vực thú y chỉ đạo chặt chẽ việc tiêm phòng vaccine cho gia súc, gia cầm, tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát diện rộng. Cùng với đó, Cục Thú y phải sớm có phương án phòng chống dịch bệnh trong giết mổ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.