Bộ trưởng Thương mại Anh nỗ lực ký FTA mới với các nước

Bộ trưởng Liam Fox cho biết ông sẽ gặp gỡ những người đồng cấp tại các nền kinh tế lớn trong bối cảnh chính phủ Anh đang tìm cách đảm bảo các FTA tiếp tục được duy trì hậu Brexit.
Bộ trưởng Thương mại Anh nỗ lực ký FTA mới với các nước ảnh 1Những người phản đối Brexit mang cờ Anh và cờ Liên minh châu Âu bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 11/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Văn phòng của Bộ Thương mại Vương quốc Anh ngày 23/1 thông báo Bộ trưởng Liam Fox sẽ dành hai ngày tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) để gặp gỡ các bộ trưởng thương mại từ các nơi trên thế giới và thảo luận về việc chuyển đổi và ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hiện có sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Trong thông báo trước khi đến Davos, Bộ trưởng Fox cho biết ông sẽ gặp gỡ những người đồng cấp tại các nền kinh tế lớn trong bối cảnh chính phủ Anh đang tìm cách đảm bảo các FTA tiếp tục được duy trì hậu Brexit. Động thái này nhằm bảo vệ các nhà xuất khẩu nước Anh trước những biến động mà Brexit có thể gây ra.

Văn phòng Bộ trưởng Thương mại Anh cho biết những quan chức mà ông Fox sẽ gặp bao gồm bộ trưởng từ Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Canada, Colombia và Israel. Ông cũng sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư và tổ chức một hội nghị bàn tròn các giám đốc điều hành (CEO) trên toàn cầu.

Bộ trưởng Fox từng cho biết rằng ông hy vọng sẽ chuyển đổi khoảng 40 FTA ký khi nước Anh là thành viên của trong EU với các quốc gia ngoài khối này trước khi Brexit chính thức diễn ra.

Tuy nhiên, tờ Financial Times mới đây đã đưa tin rằng sẽ không có hiệp định nào sẵn sàng có hiệu lực vào cuối tháng Ba tới.

[Thủ tướng Anh Theresa May tiết lộ kế hoạch B về thỏa thuận Brexit]

Hiện chính phủ Anh mới ký kết thỏa thuận với Australia và New Zealand về việc không thay đổi các yêu cầu pháp lý đối với các nhà xuất khẩu Anh trong thời kỳ hậu Brexit, trước khi hai bên đạt được thỏa thuận FTA chính thức.

Chỉ còn ít thời gian trước khi Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 29/3 tới. Song London vẫn chưa thống nhất được một thỏa thuận nào về cách thức “ly hôn” EU, thậm chí cả ngày việc liệu có nên rời khỏi khối thương mại lớn nhất thế giới hay không vẫn còn nhiều tranh cãi.

Khả năng xảy ra một Brexit "không thỏa thuận" đang ngày càng gia tăng và nền kinh tế Anh đang đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có điều luật nào “làm dịu” được những cú sốc kinh tế.

Trong một diễn biến liên quan, báo cáo mới nhất của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) có tên “Tác động của Brexit 'không thỏa thuận' trên toàn nước Anh" nhận định rằng trong kịch bản này, toàn bộ các khu vực thuộc đất nước này sẽ phải chịu tổn thất kinh tế hàng tỷ bảng mỗi năm tính tới năm 2034.

CBI đánh giá khu vực Đông Bắc nước Anh sẽ chịu thiệt hại lớn nhất khi mất tới 10,5% tổng giá trị gia tăng thực tế (GVA - thước đo thước đo của sự gia tăng trong giá trị của nền kinh tế do việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ), tương đương 7 tỷ bảng vào năm 2034. GVA của mỗi xứ cấu thành nên Vương quốc Anh, bao gồm cả Bắc Ireland, Wales và Scotland cũng sẽ suy giảm.

Bà Carolyn Fairbairn, Tổng giám đốc CBI, nói rằng London bắt buộc phải tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận vì lợi ích của các doanh nghiệp. Bà Fairbairn cho biết đây là cách duy nhất để ngăn chặn những thiệt hại tiềm tàng và khôi phục niềm tin kinh doanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.