Bộ Xây dựng: Năm 2023 sẽ khắc phục lệch pha cung-cầu bất động sản

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung-cầu sản phẩm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong năm 2023, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản; đặc biệt là khắc phục lệch pha cung-cầu sản phẩm bất động sản; chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu lớn của người dân như nhà ở xã hội.

Thông tin trên vừa được đại diện Bộ Xây dựng đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành xây dựng," được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu các Sở Xây dựng trong ngày 23/12.

Nhận diện bức tranh bất động sản

Báo cáo tại hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh nhấn mạnh 2022 là năm phục hồi, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2026. Vì thế, ngay từ đầu năm, toàn ngành đã tập trung, nỗ lực cố gắng thực hiện các chương trình, kế hoạch và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Bộ Xây dựng đã thực hiện trách nhiệm giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm như: nhà ở, thị trường bất động sản, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, quản lý hoạt động xây dựng.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, chương trình - kế hoạch phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; đề xuất, trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.”

[Chuyển đổi số bất động sản: Con đường khó, nhưng phải bước tới]

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ công tác liên ngành cũng đã làm việc trực tiếp với 12 địa phương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; yêu cầu 22 địa phương trọng điểm báo cáo tình hình triển khai thực hiện và nhu cầu vay vốn, các tồn tại, hạn chế và kiến nghị để Tổ công tác nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Báo cáo sơ bộ của các địa phương cho thấy trong năm 2022 đã có 19 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công, với tổng số khoảng 33.194 căn (tổng diện tích xây dựng khoảng 1.802.932 m2).

Cùng với việc tìm “lời giải” cho “cơn khát” nhà ở xã hội, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ngăn chặn nguy cơ “bong bóng” bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cũng thừa nhận thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ “bóng bóng” chuyển sang nguy cơ “suy thoái;” thiếu nguồn cung ở các phân khúc; cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường; thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Thậm chí, có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau “ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo” để ăn chênh lệch, làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.

Hoàn thiện thể chế, gỡ khó cung-cầu

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nhấn mạnh các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp sẽ triển khai thực hiện trong năm 2023.

Theo đó, toàn ngành sẽ tiếp tục hoàn thể chế pháp luật; tập trung cho công tác quy hoạch phát triển đô thị.

Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, gắn xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện quy hoạch, kế hoạch với phát triển thị trường nhà ở, bất động sản; đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị gắn với vị trí địa lý, chức năng, vai trò và đặc điểm phát triển kinh tế-xã hội để làm cơ sở nghiên cứu xây dựng luật để quản lý phát triển đô thị.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng cũng cho biết trong năm 2023, Tổ công tác liên ngành sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xác định nhu cầu và triển khai cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; theo dõi tình hình thực hiện việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ tại các địa phương.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung-cầu sản phẩm bất động sản, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp; đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh./.

Một số chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Xây dựng trong năm 2023:

Tốc độ tăng trưởng về xây dựng phấn đấu đạt 6,5-7%; tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 42.6%; diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 26 m2 sàn/người; sản lượng sản xuất xi măng khoảng 93,13 triệu tấn; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 96%; tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống khoảng 16%... 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục